(Go: >> BACK << -|- >> HOME <<)

LỊCH SỬ HÃNG PHIM

lich_su

Những năm tháng đầu tiên

Điện ảnh tài liệu từ khi xuất hiện đã được trao sứ mệnh phản ánh muôn màu cuộc sống và lưu giữ hình ảnh sinh động của thời đại cho các thế hệ mai sau. Những năm tháng mới thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có nền điện ảnh cách mạng, bởi vậy, trong kho tàng lưu trữ điện ảnh, những thước phim tài liệu đầu tiên vô cùng quý giá về thời điểm tuyên bố độc lập ngày 2 /9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, những hoạt động của Hồ Chủ tịch và phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Pháp năm 1946, đều do các Việt kiều tặng lại cho Tổ quốc.

Có thể gọi bộ phận Điện ảnh – Nhiếp ảnh thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền được tổ chức sau ngày Quốc khánh là một phần tiền thân quan trọng của Điện ảnh cách mạng. Năm 1946, chỉ với duy nhất chiếc máy quay phim Ciné-Sept chạy bằng dây cót và số lượng phim ít ỏi, các tay máy quay hầu hết đều xuất thân từ nhiếp ảnh đã ghi lại những khuôn hình phim nhựa như “Hồ Chủ Tịch đi thăm Pháp trở về”, “Pháp tấn công phố Hàng Than”, “Trận đánh tại Ô Cầu Dền” và một số hình ảnh khác về những ngày chiến đấu ở Hà Nội. Tiếc rằng, những thước phim này chưa kịp in tráng thì đã bị mất khi chiến sự lan rộng.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều nhà nhiếp ảnh – quay phim  đã lên chiến khu, ra bưng biền, dấn thân vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Vài chiếc máy quay phim thô sơ là tài sản quý giá trong hành trang khởi dựng sự nghiệp điện ảnh cách mạng những năm sau đó trên cả hai miền Nam – Bắc.

Ở Nam bộ, năm 1948, giữa Đồng Tháp Mười vô vàn khó khăn thiếu thốn, các nhà quay phim Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn của Tổ Nhiếp- Điện ảnh Khu 8 đã thực hiện bộ phim “Trận Mộc Hóa” ghi dấu ấn đầu tiên cho thể loại phim tài liệu của nền điện ảnh cách mạng. Bộ phim ấy đã được đem chiếu tại Liên hoan Thanh niên thế giới New DelhiẤn Độ năm 1950.

Tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 7/1950 phòng Điện – Nhiếp ảnh ra đời thuộc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ. Ngay năm đó, từ những thước phim được quay bằng chiếc máy Paillard Bolex 16 ly, nhà quay phim Phan Nghiêm đã dốc tâm huyết, kỳ công dựng hai bộ phim “Trận Đông Khê” vàTrao đổi tù binh tại Thất Khê”. Hai bộ phim sau đó được công chiếu ở Đại hội liên hoan thanh niên thế giới tại CHDC Đức. Năm 1952, cũng chính nhà quay phim Phan Nghiêm đã mày mò tìm cách in tráng phim và chế tạo thành công chiếc máy in tiếng quang học “Tự Cường 1”, đưa kỹ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển sang một bước ngoặt trọng đại: Từ những thước phim câm sang phim có âm thanh.

Ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 147/SL chính thức khai sinh nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Từ ấy, ngày 15/3 hàng năm trở thành Ngày Điện ảnh Việt Nam. Trong những năm tháng đầu tiên, cùng với sự giúp đỡ của điện ảnh Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc về  thiết bị, máy móc, phim ảnh, những người làm điện ảnh Việt Nam học hỏi được rất nhiều từ các nhà làm phim quốc tế, nên đã nhanh chóng trưởng thành. Để rồi đã cónhững đóng góp đáng kể trong những bộ phim “Việt Nam kháng chiến”, “Việt Nam trên đường thắng lợi” do các nhà làm phim Trung Quốc và Liên Xô thực hiện. Cho đến gần hết thập niên 1950, phim thời sự tài liệu – thể loại phim mang đậm tính nhân văn và tính chiến đấu cao, là loại hình duy nhất của Điện ảnh cách mạng, và phần lớn những người phim trẻ trung, giàu nhiệt huyết ngày ấy đã trở thành những tên tuổi hàng đầu của phim thời sự tài liệu. Đó cũng là thế hệ đầu tiên xây dựng nền móng vững vàng và làm nên vị thế của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trong ngành điện ảnh.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, hòa bình lập lại trên một nửa đất nước, các nhà làm phim của cả hai miền hội tụ về dưới mái nhà Xưởng phim Việt Nam, sát cánh cùng nhau xây dựng nền điện ảnh nước nhà.

Năm 1956, Xưởng phim Thời sự Tài liệu được tách ra thành đơn vị độc lập. Thời điểm ấy được coi là ngày ra đời của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, một cơ quan báo chí trong ngành Điện ảnh. Mang trách nhiệm của người phóng viên điện ảnh, các nhà làm phim thời sự tài liệu ngày ấy đã lao mình vào thực tiễn cuộc sống, phản ánh trung thực công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước qua lăng kính của người nghệ sĩ. Số lượng phim sản xuất hàng năm lên tới 25 phim. Những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua như Sóng duyên hải, Gió Đại phong, Cờ Ba nhất… được phản ánh qua những bộ phim sống động đã tác động mạnh mẽ tới người xem, tạo nên hiệu ứng dây chuyền lan rộng trong xã hội, góp phần thúc đẩy tinh thần lao động của hàng triệu triệu con người. Bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải” của Đạo diễn Bùi Đình Hạc phản ánh không khí lao động sôi nổi hào hùng của nhân dân trên công trường thủy lợi lớn nhất miền Bắc là bộ phim đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim quốc tế Matxcơva lần thứ I.

Vào cuối năm 1956, đầu năm 1957 sự ra đời của những bộ phim “Làm cho lúa tốt”, “Giữ sức khỏe để sản xuất” đã tạo ra xu hướng sáng tác loại hình phim phổ biến khoa học. Từ đây, mỗi năm Xưởng Thời sự Tài liệu sản xuất hàng chục bộ phim khoa học phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến trong lao động sản xuất vào đề phòng dịch bệnh…

Những bước đi ban đầu ấy đã đặt nền móng vững chắc và tạo đà cho sự tiến bộ vượt bậc qua năm tháng của đội ngũ những người làm phim thời sự, tài liệu và khoa học Việt Nam.

Giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những người làm phim thời sự tài liệu lại trở thành những người lính ra trận với vũ khí là chiếc máy quay phim. Họ là những người viết sử bằng hình ảnh. Họ có mặt ở tất cả những điểm nóng thời cuộc để thu vào ống kính muôn mặt cuộc sống lao động và chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước của nhân dân Việt Nam. Với chức năng phản ánh xã hội một cách khách quan, trung thực nhất và khả năng chuyển tải đến người xem nguyên vẹn cảm xúc từ những hình ảnh nóng hổi của thời đại, những thước phim, bộ phim thời sự tài liệu đã góp phần thổi bùng ngọn lửa truyền thống yêu nước và tinh thần cần cù lao động ở mỗi con người.

Cuộc kháng chiến trường kỳ ngày càng gay go, ác liệt. Đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam, một lực lượng hùng hậu những người làm phim đầy nhiệt huyết và quả cảm của Xưởng phim Thời sự Tài liệu đã tiếp nối nhau vượt Trường Sơn vào chiến trường, chi viện cho Điện ảnh Khu 5, Điện ảnh Giải phóng và cả Điện ảnh Lào. Trên các vùng đất rực lửa, những phóng viên điện ảnh sát cánh với bộ đội, du kích trong các trận công đồn, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân trong các cuộc càn quét vây ráp của địch. Ròng rã nhiều năm tháng hòa mình vào cuộc sống và chiến đấu của quân và dân miền Nam để ghi lại những hình ảnh hào hùng của dân tộc anh hùng.

Những giai đoạn giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, đội ngũ phóng viên của Xưởng phim Thời sự Tài liệu luôn ở tư thế trực chiến, sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, có mặt ở bất cứ nơi nào có bom rơi, đạn nổ. Họ bám trụ hàng năm trời ở lũy thép Vĩnh Linh; Họ đồng hành với đội nữ pháo binh Ngư Thủy; Họ hành quân cùng những người mở đường Trường Sơn. Họ đội nắng, dầm mưa cùng các chiến sĩ dân quân tự vệ tại trận địa bắn máy bay Mỹ trên nóc nhà cao tầng ở Thủ đô Hà Nội…

Ở các tuyến lửa, những thước phim được đổi bằng không biết bao nhiêu công sức, bằng máu và bằng cả sinh mạng của những phóng viên và cán bộ, công nhân viên quả cảm. Trụ sở cơ quan ngày ấy cũng là một trận địa luôn hừng hực khí thế lao động sản xuất để những thước phim từ chiến trường chuyển ra, từ các cao điểm đưa về sẽ nhanh chóng trở thành những bộ phim mang hơi thở của cuộc sống đem phục vụ quảng đại quần chúng đang mong đợi.

Chiến tranh kết thúc, tám chiến sĩ ra đi không trở về, nhưng đồng đội và các thế hệ sau không bao giờ quên tên tuổi và gương mặt mãi mãi trẻ trung của các liệt sĩ. Sự khắc nghiệt của chiến tranh còn lưu dấu trên những vết thương ở nhiều người. Song, từ trong gian khổ, hy sinh, các nhà làm phim thời sự tài liệu đã đặt dấu ấn trong những tác phẩm giàu chất thơ, giàu tính chiến đấu. Những thước phim vô giá ám mùi khói lửa là thước đo phẩm chất của những người phóng viên quay phim kiêm nghệ sĩ, là bằng chứng nhận cao quý nhất của thời đại. Hàng loạt phim đoạt giải thưởng trong các kỳ Liên hoan phim Quốc gia, quốc tế đã tạo nên tên tuổi của nền điện ảnh Việt Nam đầy tính nhân văn trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do và vì sự sống con người. Các tác phẩm nổi bật trong thời kỳ này hầu hết đều là những bộ phim thể hiện tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đó là những phim: “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” của đạo diễn Bùi ĐìnhHạc, “Đầu sóng ngọn gió”, “Lũy thép Vĩnh Linh” của đạo diễn Ngọc Quỳnh. “Những cô gái Ngư Thủy” của đạo diễn Lò Minh, “Mở đường Trường Sơn” của đạo diễn Tô Cương, “Một ngày trực chiến” của đạo diễn Phan Trọng Quỳ… Bên cạnh những bộ phim bám sát cuộc chiến đấu bảo vệ và giải phóng đất nước, các mảng đề tài khác cũng luôn được các nhà làm phim quan tâm và dành nhiều tâm huyết thể hiện. Những bộ phim khi đó là thước đo ghi lại sự trưởng thành của công cuộc xây dựng Tổ quốc.

Thời kỳ này, thể loại phim khoa học đã thực sự là một lực lượng xung kích trên mặt trận khoa học kỹ thuật với nhiệm vụ trang bị kiến thức khoa học trong sản xuất  nông nghiệp, các kiến thức an toàn lao động bảo vệ sức khỏe trong cuộc sống và lao động hàng ngày, phổ biến cách phòng tránh bom đạn… cho đông đảo nhân dân lao động và lực lượng dân quân tự vệ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Bộ phim khoa học “Chú ý!thuốc trừ sâu” của đạo diễn Lương Đức đoạt giải vàng Liên hoan phim Quốc gia đã tạo ra bước ngoặt cho phim khoa học thoát khỏi cách làm khô khan, giáo điều. Từ đây, các tác giả làm phim khoa học đã tìm ra chìa khóa mở rộng cánh cửa cho phim khoa học vượt ra khỏi tư duy chỉ là loại hình phổ biến kiến thức khoa học đơn thuần để vươn lên tầm các tác phẩm có giá trị nâng cao nhận thức, góp phần bồi bổ và mở mang kiến thức cho cộng đồng xã hội.

Hàng trăm bộ phim, hàng chục ngàn mét tư liệu về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được làm ra từ trái tim và khối óc của đội ngũ những người làm phim Xưởng phim Thời sự Tài liệu, giờ đây đã trở thành tài sản vô giá lưu lại cho các thế hệ mai sau. Xưởng phim Thời sự Tài liệu ngày một xứng đáng với vị thế là Cánh chim đầu đàn của Điện ảnh tài liệu Việt Nam.

 

CÙNG ĐẤT NƯỚC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ đầy gian khổ và vinh quang, các nhà làm phim tài liệu khoa học không một ngày ngơi nghỉ, lại tỏa đi làm nhiệm vụ trên khắp các nẻo đường đất nước. Họ luôn là người lính xung kích trên mặt trận văn hóa.

Hiện thực cuộc sống sau những năm tháng chiến tranh đầy ắp các đề tài để các nhà làm phim thỏa sức khai thác và phát huy sáng tạo làm ra các sản phẩm điện ảnh mang tính báo chí phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước. Xã hội không ngừng vận động, yêu cầu của người xem đối với phim tài liệu ngày một cao hơn và khuynh hướng sáng tác của những người làm phim cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống. Người làm phim không chỉ chú ý phản ánh các sự kiện, kể lại các sự kiện mà đã chú trọng bình luận sự kiện và đi sâu vào tâm trạng, vào số phận con người. Phim thời sự hoàn thành sứ mệnh của những bản tin nhanh sống động, dành đất thể hiện cho những bộ phim tài liệu mang tính tác giả ngày càng thu hút được sự chú ý đón nhận của người xem. Thời kỳ này, thể loại phim tài liệu luôn dành một tỷ lệ xứng đáng cho đề tài hậu chiến với âm hưởng chiến thắng là cảm xúc chủ đạo.

Phim khoa học sau thời kỳ đứng ở vị trí phổ biến kiến thức khiêm nhường đã mạnh mẽ vươn lên, khẳng định vai trò ngày một quan trọng trong dàn đề tài phản ánh sắc màu phong phú của cuộc sống. Cùng với cách khai thác nội dung có chiều sâu, bề rộng, hình thức thể hiện phim khoa học đã được nâng lên bước nghệ thuật hóa. Đội ngũ làm phim khoa học ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp đã cố gắng tìm tòi làm đa dạng hóa đề tài, để không chỉ những vấn đề khoa học mới mẻ được cập nhật, mà cả những sự kiện, sự việc lặng lẽ diễn ra hàng ngày cũng được góc nhìn của phim khoa học mổ sẻ, nhằm đem đến những kiến thức thiết thực với đời sống xã hội. Phim khoa học đã quan tâm khai thác để cảnh tình người xem những vấn đề do hậu quả chiến tranh đem lại.

Ngày 22 tháng 2 năm1982, Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam được đổi tên thành Xí nghiệp phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Mặc dù các loại máy quay phim, chất lượng phim, các thiết bị kỹ thuật khác và quy trình in tráng đều đã lạc hậu nhưng số lượng phim sản xuất hàng năm được giao vẫn tăng liên tục. Có năm lên tới 80 bộ phim. Đội ngũ sáng tác, kinh tế, kỹ thuật, cán bộ văn phòng được tăng cường đông đảo.

Đây là thời kỳ đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam rồi biên giới phía Bắc. Cơ chế bao cấp vận hành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không còn phù hợp với giai đoạn mới, gây trì trệ cho sự phát triển xã hội. Những người lính xung kích của mặt trận văn hóa lại thể hiện vai trò không đứng ngoài cuộc sống. Nhiều bộ phim của Hãng đã đề cập một cách thẳng thắn và sâu sắc tới những vấn đề búc xúc trong đời sống xã hội. Một số phim với cảm xúc thực sự của các tác giả và với suy nghĩ cùng lo toan cho vận mệnh đất nước đã tạo nên tiếng vang trong cộng đồng xã hội.

Nổi bật trong thời kỳ này là những bộ phim ca ngợi nét đẹp trong lao động xây dựng quê hương đất nước, như “ Đường dây lên sông Đà” của đạo diễn Lê Mạnh Thích, “Địa chỉ mới” của đạo diễn Nguyễn Xã Hội, bộ phim “Tên em là gì?” của đạo diễn Đỗ Đức Kim tố cáo tô thảm họa diệt chủng của của chế độ Pônpôt- Iêngsari, bộ phim “Hai mươi năm sau” của đạo diễn Nguyễn Vũ Đức lên án sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam của người Mỹ… đã giành được giải cao tại các LHP trong nước và quốc tế. Một trong những điểm nhấn của thời kỳ này là bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễnTrần Văn Thủy, đã trở thành “hiện tượng điện ảnh” Việt Nam trước thềm đổi mới đất nước trong việc phản ánh hiện thực xã hội và suy nghĩ của người nghệ sỹ trước cuộc sống, góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá xã hội của nhiều người.

Ngày 30 tháng 3 năm 1989, Xí nghiệp phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lại một lần nữa đổi tên thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để phù hợp với tiêu chí của thời kỳ đổi mới.

 

ĐI CÙNG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI

 

Khi đất nước bước vào hành trình Đổi mới, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã: Không thể toàn tâm toàn ý thả sức sáng tác khi từng mét phim, từng phút máy cũng phải hạch toán chi li theo cơ chế mới. Bầu sữa bao cấp teo dần đẩy số lượng phim sản xuất hàng năm sụt giảm liên tục; Máy móc kỹ thuật già cỗi không được đầu tư thay thế đồng bộ; Thế hệ gạo cội là điểm tựa tinh thần quan trọng cho lớp trẻ cứ lần lượt đến tuổi nghỉ hưu; Phương pháp sáng tác cũng bộc lộ những bất cập khi không thay đổi kịp với nhu cầu mang tính thưởng thức ngày càng cao, càng nhiều chiều của công chúng…

Hãng phim Anh hùng với bao chiến công và danh hiệu đứng trước thách thức: Phải vượt qua chính mình để vươn lên hay chấp nhận duy trì số lượng phim ít ỏi, sống lay lắt trong nỗi hoài vọng quá khứ huy hoàng. Sau một thời gian chếnh choáng, những người làm phim tài liệu khoa học đã khẳng định lại mình: Không dừng lại, không chấp nhận đi sau cuộc sống. Những người lính xung kích xốc lại vũ khí, đoàn kết bên nhau, quyết gìn giữ vị thế được xây dựng từ mồ hôi và xương máu của thế hệ đi trước. Các khó khăn dần dần được giải quyết, Hãng phim Tài liệu Khoa học tiếp nhận công nghệ mới, sản xuất phim chủ yếu bằng hệ thống máy móc và băng hình video. Đội ngũ làm phim trẻ được đào tạo bài bản, qua năm tháng rèn luyện trong ngôi nhà giàu truyền thống đã trở thành lớp kế cận đầy nhiệt tình sáng tạo, đủ năng lực thay thế các thế hệ đi trước.

Ngày 18 tháng 2 năm 1998, bộ phận in tráng và âm thanh phim nhựa của Hãng tách ra, thành lập Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh Việt Nam.

Đứng trước những thử thách của thời cuộc, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã tự bứt phá ra khỏi lối sản xuất phim theo phương pháp cũ đã trở thành lối mòn. Hãng đã động viên khuyến khích các nhà làm phim tìm tòi phong cách và phương pháp sáng tác mới. Nhờ đó, nhiều tác phẩm đã tạo ra bước đột phá trong tư duy sáng tạo, gây được tiếng vang trong cộng đồng xã hội.

Trên cơ sở năng lực và uy tín của mình, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất phim, phát hành phim và các đài truyền hình trong và ngoài nước, đưa phim tài liệu khoa học Việt Nam trở lại vị trí ngày càng quan trọng hơn trong lòng đông đảo người xem.

Đây là thời kỳ hàng loạt các tác phẩm của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương giành được giải thưởng tại các LHP quốc tế. Đó là các phim: “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” của đạo diễn Trần Văn Thủy; “Nơi chiến tranh đã đi qua” của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ; “Trở lại Ngư Thủy” của đạo diễn Lê Mạnh Thích – Đỗ khánh Toàn; “Chị Năm khùng”, “Những nẻo đường công lý” của đạo diễn Lại Văn Sinh và “Chốn quê” của đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung. Đặc biệt, phim của Hãng đã giành được giải thưởng tạo LHP Châu Á – Thái Bình Dương trong bốn năm liền, với 03 giải Phim ngắn xuất sắc nhất và 01 giả đặc biệt của Ban giám khảo.

HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Thời đại thông tin với sự phát triển của rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, và các hình thức giải trí phong phú đa dạng đã khiến điện ảnh không còn là món ăn tinh thần chiếm lĩnh sự ưu tiên lựa chọn như xưa. Cùng với những khó khăn trong giai đoạn phải chuyển đổi cơ chế, mô hình sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự tự chủ của đơn vị và từng cá nhân rất cao, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương còn phải đối mặt với sự hụt hẫng trong đội ngũ vì hơn mười năm liền chỉ giảm quân số không nhận thêm người. Hãng thiếu hẳn lớp kế cận khi các nghệ sĩ sáng tác, cán bộ kỹ thuật và kinh tế lần lượt đến tuổi nghỉ hưu. Quân số áp đảo trong cơ quan đều là lớp trẻ, còn đang ở giai đoạn non nớt về bản lĩnh nghề nghiệp.

Trước những khó khăn chồng chất, Ban lãnh đạo và toàn thể  CBCNV của Hãng đã rất nỗ lực vươn lên để giữ vững vị thế của mình bằng chính những tác phẩm điện ảnh. Sự sống còn của điện ảnh tài liệu khoa học chính là gìn giữ vị trí trong lòng khán giả mà những thế hệ đi trước đã tạo dựng. Ở thời đại của khoa học và công nghệ, người làm phim được trợ giúp rất nhiều từ kỹ thuật tiên tiến, song để các tác phẩm có chỗ đứng trong lòng khán giả thì không có bất sự hỗ trợ nào có thể thay thế được sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ, mà ở đó, bên cạnh sự say nghề đến đam mê còn rất cần vốn sống dày dặn phải tích lũy qua năm tháng. Không thể chờ thời gian lấp khoảng trống kinh nghiệm, Ban giám đốc đã mạnh dạn, quyết đoán giao phim cho các đạo diễn trẻ mới vào nghề, giao trách nhiệm quản lý phòng ban cho các kỹ sư trẻ chưa có nhiều thời gian kinh qua thử thách… Và thành quả lao động những năm qua là câu trả lời cho hướng đi đúng đắn ấy. Nỗ lực vượt khó khăn trong thời điểm gian nan thử thách và quyết tâm khẳng định mình đã giúp lớp trẻ nhanh chóng trưởng thành. Bên cạnh những tác giả có tên tuổi, nhiều kinh nghiệm, một số tác giả trẻ đã khẳng định được mình qua những bộ phim đoạt giải tại các Giải thưởng điện ảnh, Giải thưởng báo chí trong các năm qua.

Những bộ phim của Hãng vẫn được trải đều trên tất cả các mảng đề tài trong cuộc sống để phục vụ đông đảo người xem, với cách thể hiện có nhiều tìm tòi, sáng tạo, cố gắng đưa điện ảnh tài liệu Việt Nam ngày càng tiếp cận với điện ảnh tài liệu thế giới.

Nhờ phát huy truyền thống và uy tín đã dày công tạo dựng, ngoài số lượng phim kế hoạch Nhà nước giao luôn đảm bảo chất lượng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nhận được sự tín nhiệm đặt hàng làm nhiều bộ phim cho các bộ, ban, ngành, sản xuất các chương trình miền núi phục vụ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và quay hàng ngàn mét tư liệu các sự kiện quan trọng của đất nước mỗi năm.

Do đặc thù của phim tài liệu khoa học khó rất đến với khán giả theo hướng kinh doanh, những người làm phim đã tìm cách đưa khán giả đến với sản phẩm của mình bằng những ngày phim, tuần phim tài liệu, hay những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. Và xa hơn, rộng hơn là Tuần phim tài liệu quốc tế với sự tham gia của nhiều nước Châu Âu. Từ năm 2009 đến nay, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là địa chỉ tìm đến của những người yêu phim tài liệu, muốn khám phá cuộc sống muôn màu muôn vẻ  và muốn tìm hiểu cách nhìn cuộc sống qua lăng kính của những nhà làm phim tài liệu Việt Nam và nhiều nước Châu Âu. Đã thành lệ, mỗi khi tháng 6 tới, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lại trở thành tâm điểm chú ý của những khán giả yêu phim tài liệu. Tại đây, mọi người được đắm chìm trong cảm xúc của hiện thực cuộc sống tái tạo bằng nghệ thuật điện ảnh theo các phong cách khác nhau. Được tìm hiểu nền văn hóa nhiều quốc gia qua góc nhìn và tư tưởng sáng tác của các tác giả. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã thực sự trở thành điểm hẹn hàng năm của những người yêu phim tài liệu khoa học.

Trong những năm qua, phim của Hãng đã giành được nhiều giải cao tại các kỳ LHP Việt Nam và các Giải thưởng khác. Các phim đã đoạt giải vàng gồm có:

Ở thể loại tài liệu: “Còn lại với thời gian” của đạo diễn Lê Hồng Chương; “Khoảng cách” của đạo diễn Trần Phi; “Chất xám”, “Đất lạnh” của đạo diễn Nguyễn Thước; “Người thắp lửa” của đạo diễn Nguyễn Như Vũ; “Giọt nước giữa đại dương” của đạo diễn Đào Trọng Khánh.

Ở thể loại khoa học: “ Sự sống ở rừng Cúc Phương” của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng; “ Không khí và sự sống” của hai đạo diễn Hoàng Ngọc Dũng và Trần Phi; “Nước ngầm cảnh báo” của đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga; “ Bướm, côn trùng cánh vảy” của hai đạo diễn Trịnh Quang Tùng và Bùi Thị Phương Thảo; “Động đất, sóng thần – thảm họa khôn lường” của đạo diễn Nguyễn Như Vũ.

60 năm đồng hành cùng cuộc sống, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương với những tác phẩm mang giá trị và hơi thở của thời đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp văn hóa văn nghệ và báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhớ lại và suy nghĩ về những năm tháng đã qua, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương biết ơn những người làm công tác nghệ thuật, những người làm công tác kỹ thuật, tài chính và nhân viên hành chính, văn phòng… của nhiều thế hệ đã không ngừng đóng góp sức mình vào sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam và điện ảnh tài liệu khoa học.

Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chân thành cảm ơn các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ các ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh, các Hãng phim trong và ngoài ngành, đồng nghiệp và bạn bè quốc tế đã đi cùng và ủng hộ chúng tôi trong suốt 60 năm qua.

GIỚI THIỆU
GIỚI THIỆU
LỊCH SỬ
LỊCH SỬ
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ
THÀNH TÍCH
THÀNH TÍCH