(Go: >> BACK << -|- >> HOME <<)

Tiếp tục con đường đổi mới quản lý DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp

TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI QUẢN LÝ DNNN

VÀ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Để tiếp tục con đường đổi mới quản lý QNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, gần đây dư luận có đề cập đến việc thành lập một Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN.

Cách đây khoảng 20 năm (1996) Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại DN. Tên gọi có khác với Ủy ban mới này một chút, nhưng chức năng nhiệm vụ gần giống nhau: cũng quản lý, cũng giám sát, cũng là một cấp hành chính đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản Nhà nước tại DN.

Sau thời gian hoạt động được hơn 4 năm (1999) thì Tổng cục này đã giải thể và thành lập Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính hoạt động cho đến nay, và cùng với sự tồn tại của Cục, năm 2003 Chính phủ đã có quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ (DATC) và năm 2005 có quyết định thành lập Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại DN (SCIC) nhằm xóa bỏ sự can thiệp của các cấp quản lý hành chính vào hoạt động kinh doanh của DN, phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, mà rõ nhất là các quyết định xử lý công nợ và quyết định đầu tư vốn, sử dụng vốn. Mục tiêu của việc ra đời DATC và SCIC: Một là, các cấp Hành chính sẽ không phải nhân danh Chủ sở hữu để ra các quyết định khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ…hoặc các quyết định đầu tư vốn, sử dụng vốn như trước đây nữa; Hai là, tách chức năng Chủ sở hữu của các Cơ quan quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu bằng việc chuyển các DNNN trực thuộc Ủy ban tỉnh, thành phố sau cổ phần hóa về SCIC.

Như vậy con đường đổi mới quản lý DNNN và vốn nhà nước tại DN đã trải qua một chặng đường. Chúng tôi cho rằng để tiếp tục hoàn thiện tốt quá trình này, có một số giải pháp và quan điểm cần thống nhất:

Một là, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Cần thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN; Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN”.

Như vậy Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XII đã nhấn thêm một việc đã và đang làm và yêu cầu làm dứt điểm. Đồng thời chúng ta cũng không được quên rằng trong các Nghị quyết Đại hội trước cũng đã chỉ ra rằng cần: Tách bạch mối quan hệ giữa chức năng quản lý hành chính và chức năng kinh doanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không nên thành lập thêm các cấp hành chính trung gian bên trên DN, giảm thiểu đi đến xóa bỏ sự can thiệp của các cơ quan hành chính vào hoạt động kinh doanh của DN. Các cơ quan này chỉ làm chức năng quản lý nhà nước đối với DN. Những nguyên tắc này phải được gắn kết với nhau và thực hiện một cách nhất quán.

Hai là, cách tiếp cận vấn đề phải trên quan điểm đây là một quá trình. Chúng ta đã và đang làm. Vì vậy cần có tổng kết, phân tích rút ra những bài học, đánh giá một cách khoa học từ những việc đã làm: cái gì được, cái gì chưa được để có giải pháp thích hợp.

Chúng tôi xin nêu một số ví dụ:

1) Những nguyên nhân nào dẫn đến phải giải thể Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp? Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phải kể đến:

i) Chưa xóa bỏ được sự can thiệp của cơ quan hành chính vào hoạt động doanh nghiệp.

ii) Đồng thời trên thực tế chúng ta cũng chưa xóa bỏ được sự phân biệt có tính lịch sử giữa DN trung ương và DN địa phương. Sự không đồng tình của một số địa phương cho mô hình này đã chứng minh điều đó.

2) Mô hình SCIC và DATC là đúng và đạt được những mục tiêu nhất định, nhưng còn nửa vời, chậm trễ trong việc tiếp tục triển khai những mặt được, khắc phục những mặt chưa được.

Cái được ở đây là ở chỗ như trên đã nói; Nhưng mặt chưa được là đối tượng DN chuyển giao cho SCIC lại chỉ bó hẹp trong một số DNNN nhỏ lẻ sau cổ phần hóa có vốn nhà nước trực thuộc Bộ và trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố và không nằm trong các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế lớn.

3) Mô hình cử người Đại diện vốn nhà nước và Kiểm soát viên nằm vùng tại các DN từ các cơ quan hành chính (từ Cục Tài chính doanh nghiệp- Bộ Tài chính hay từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN- SCIC) cần được tổng kết đánh giá, xem xét lại.

Ba là, cần chỉ ra những đặc điểm và vai trò của chủ sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại DN Việt Nam để từ đó có mô hình phù hợp. Những đặc điểm đó là:

-   Là sở hữu toàn dân.

-   Không có người chủ sở hữu cụ thể mà chỉ có Người đại diện chủ sở hữu (cá nhân, tổ chức).

Sở hữu nhà nước có những mặt mạnh và mặt yếu. Mặt yếu cơ bản của nó là, thường xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” và bị lợi dụng khai thác biến thái sang lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, biến của chung thành của riêng. Vụ việc Lãnh đạo Xây lắp dầu khí vừa qua cũng là một ví dụ điển hình.

Chúng tôi cho rằng cần tách chức năng quản lý nhà nước của các Bộ chuyên ngành và UBND các tỉnh thành phố ra khỏi chức năng chủ sở hữu, nhưng không phải về một Ủy ban hành chính như một siêu Bộ, mà cần chuyển về cho các SCIC và các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế. Các TCT, TĐKT này cũng chuyển dần sang hình thức hoạt động theo mô hình SCIC.

Ở các UBND các tỉnh, thành phố cũng có thể chuyển vào các SCIC của tỉnh, thành phố. Các SCIC này vẫn trực thuộc các Bộ và UB nhưng theo một “cơ chế lỏng” như quan hệ giữa Bộ Tài chính với SCIC hiện nay vậy. Đây là sự thay đổi bên trong của quan hệ chủ sở hữu.

Đi đôi với việc chuyển giao này là cần tồn tại hai hình thức thực thi chủ sở hữu về vốn, đó là Giao vốnĐầu tư vốn. Cơ chế ”Giao vốn” chúng ta đã làm cách đây trên 20 năm, đến nay cần hoàn thiện điều chỉnh sửa đổi. Cụ thể là: Thủ tướng Chính phủ qua Bộ Tài chính, thực hiện việc giao vốn cho các SCIC (là SCIC hiện tại và các Tổng công ty, Tập đoàn chuyển thành SCIC); các SCIC này thực hiện việc Đầu tư vốn trực tiếp vào các DN thành viên, các công ty con hoặc sử dụng vốn tại công ty mẹ.

Đồng thời đi đôi với cơ chế Giao vốn (gián tiếp) và Đầu tư vốn (trực tiếp) là hai cơ chế phân phối lợi nhuận, đó là cơ chế cho các DN sản xuất kinh doanh bình thương và cơ chế cho các SCIC. Sự khác biệt là ở chỗ SCIC khi thu cổ tức do đầu tư vốn nhà nước vào các DN khác thì sau khi trừ một phần chi phí cần thiết, cơ bản là toàn bộ số thu đó thay mặt đại diện chủ sở hữu nộp vào NSNN.

Trong tương lai gần sau khi đã hoàn tất việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu DN, nếu thu lại quy mô và phạm vi sở hữu vốn nhà nước tại DN, chúng ta có thể sáp nhập từng bước, tiến tới thu gom về một SCIC cho cả nước hoặc chỉ tồn tại một số SCIC thôi.

Cũng qua đây cho chúng ta thấy việc tách chức năng quản lý nhà nước phải chăng chỉ diễn ra ở các Bộ chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng…) còn ở các Bộ chức năng (một số Bộ vẫn có DN) thì là người giúp Thủ thướng Chính phủ thực thi quyền đại diện chủ sở hữu thì không thể tách mà việc cần làm là xác định rõ hơn chức năng nhiệm vụ của từng Bộ.

Vai trò của Tổ chức đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại DN thể hiện rõ nhất ở chỗ: là người tốt nhất và nắm được một cách chuyên nghiệp nhất 3 yêu cầu thuộc 3 lĩnh vực quan trọng của DN, bao gồm: i) kỹ thuật, công nghệ ngành và đầu tư công nghệ mới; ii) nhân sự và tổ chức; iii) quản lý vốn và tài chính doanh nghiệp nói chung. Không dễ dàng gì để tập trung vào một cơ quan hành chính làm tốt cả ba việc này.

Bốn là, đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN vẫn là tiền đề, là việc phải làm trước; để trên cơ sở đó sắp xếp lại hệ thống tổ chức quản lý và giám sát DN. Theo đó, thực hiện việc thoái vốn, rút vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần tham gia đầu tư vốn. Chúng tôi cho rằng, Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chỉ tồn tại dưới 2 dạng: 100% vốn Nhà nước hoặc Nhà nước nắm giữa cổ phần chi phối. Rút hết vốn ở các DN dưới 50% vốn Nhà nước.

Đi đôi với việc này là cần xem lại hoàn thiện quy chế các TCT, TĐ (là SCIC) và cả SCIC hiện tại đầu tư vốn Nhà nước xuống các công ty con, công ty cháu và các doanh nghiệp khác, để tránh sự biến tướng từ sở hữu Nhà nước thành sở hữu tư nhân, gây thất thoát vốn và hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Năm là,cùng với việc sắp xếp tổ chức lại các TCT, TĐKT theo hướng trên, chúng ta cần tổ chức lại hệ thống kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

Việc giám sát hoạt động doanh nghiệp thì tùy theo lĩnh vực đã có các Bộ chức năng thực hiện. Nhưng tổng hợp nhất vẫn là kiểm tra giám sát hoạt động tài chính doanh nghiệp thông qua đồng tiển để giám sát một cách toàn diện hoạt động của Doanh nghiệp - một lĩnh vực quan trọng khi triển khai thi hành Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới ban hành.

Mặt khác, chúng tôi cho rằng hệ thống này cũng cần thực hiện việc giám sát đối với hoạt động tài chính của toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, không thể chỉ khoanh vùng khu vực kinh tế Nhà nước để giám sát.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Nếu chỉ thay đổi tổ chức bên ngoài mà không thay đổi phương thức, nội dung quản lý bên trong, e rằng sẽ khó tránh sai lầm và thường phải trả giá bằng thời gian nhiều năm.

PHẠM ĐÌNH SOẠN (Nguyên Cục trưởng Cục TCDN Bộ Tài chính, Nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại DN)

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 19/8/2016