(Go: >> BACK << -|- >> HOME <<)

Thứ Bẩy, 18/06/2005 - 18:13

Giao lưu trực tuyến với các nhà báo trẻ tài năng

Họ là những nhà báo trẻ được độc giả nhớ mặt, biết tên: một Thanh Lan dịu dàng, đằm thắm trong các chương trình thời sự; tinh tế, uyển chuyển với “Mỗi ngày một cuốn sách” ở VTV1; Còn Anh Ngọc - cây bình luận thể thao quốc tế sắc sảo, có tình yêu vô bờ bến với bóng đá và đất nước Italia; Và Trần Nguyên - chàng phóng viên trẻ năng động, kịp ghi dấu ấn với hàng loạt bài viết về giới trẻ, là phóng viên Việt Nam duy nhất đến được Banda Aceh, vùng đất bị tổn hại nặng nhất với hơn 150.000 người chết trong vụ sóng thần ở Indonesia.

10 sáng 20/6, ba nhà báo trẻ tài năng Thanh Lan - Đài Truyền hình Việt Nam, Trương Anh Ngọc - Báo Thể thao & Văn hóa và Trần Nguyên - Báo Tuổi trẻ sẽ có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả báo Khuyến học & Dân trí nhân kỷ niệm 80 năm ngày Nhà báo Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2005).

 

Chuyện đời, chuyện nghề của họ có thật nhiều điều để nói. Ngay từ bây giờ quý vị có thể đặt câu hỏi cho họ tại đây.

 

* * * 

* Nhà báo Thanh Lan

 

 “Dù ở chương trình nào thì cái khó nhất đối với người dẫn không chỉ là kiến thức, sự khéo léo trong xử lý tình huống mà quan trọng nhất là cái duyên - làm sao phải tạo đuợc cái hồn trong cách dẫn…”

 

- Tên thật: Lê Thanh Lan. Sinh năm 1975.

-  Tốt nghiệp Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành truyền hình.

-  Từ năm 1996 đến nay, công tác tại Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam với tư cách là phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình.

- Bên cạnh công việc biên tập và dẫn chương trình "Thời sự 19 giờ", "Chào buổi sáng", "Mỗi ngày một cuốn sách"… Thanh Lan còn tham gia nhiều chương trình truyền hình trực tiếp lớn như: "Cầu truyền hình Chào thiên niên kỷ", "Lễ hội Đền Hùng", "Lễ hội 100 năm Sapa" .v.v. và tới đây sẽ là chương trình "Vinh quang Việt Nam".

 

* Nhà báo Trần Nguyên

 

 “Đôi khi chỉ là chuyện bắt gặp trên một góc phố nhỏ hay đơn giản là dành thời gian để ngồi ngắm một bà cụ bán me ngoài đường Pasteur… cứ thế, những niềm vui đó níu chân, đẩy tôi tiến về phía trước, dẫu rằng nhiều lúc cũng thèm có một cuộc sống bình yên như thằng bạn thân náu mình trong núi dạy học cho trẻ con…”

 

- Tên thật: Trần Vũ Nguyên

- Tuổi: 24

- Tốt nghiệp khoa báo chí, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM

- Từng làm việc tại tổ chức Thầy thuốc thế giới của Pháp, từ tháng 12/2003 đến nay công tác tại báo Tuổi Trẻ.

- Đã thực hiện được một số chương trình: Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam, là phóng viên Việt Nam duy nhất đến được Banda Aceh, vùng đất bị tổn hại nặng nhất với hơn 150.000 người chết trong vụ sóng thần ở Indonesia.

 

Anh cũng là một gương mặt vừa được Đài truyền hình KBS và MBC của Hàn Quốc phỏng vấn về loạt bài viết về chất độc da cam… 

 

* Nhà báo Anh Ngọc

 

 “Bản thân bóng đá mỗi nước, mỗi thành phố, mỗi vùng đều mang bản sắc và tư duy riêng. Điều mà bình luận viên, người viết cần phải làm là tìm ra được những yếu tố đó để truyền tải cho người xem, người đọc. Muốn như vậy, thì cần phải không ngừng học hỏi”.

 

- Tên thật: Trương Anh Ngọc, 30 tuổi, 1 vợ, 1 con

- Tốt nghiệp khoa báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

- Công tác tại đài PT-TH Hà Nội từ năm 1998 đến 2002. Bắt đầu trở thành bình luận viên giải Serie A từ mùa bóng 1999-2000, trước khi chuyển sang Báo Thể thao & Văn hóa (5/2002). Khi viết báo, vẫn viết chủ yếu là về bóng đá Italia.

- Tự học tiếng Ý từ khi bắt đầu làm giải Serie A vào năm 1999. Hiện có thể hiểu một cách khá sâu sắc tình hình chính trị, xã hội, kinh tế, đặc biệt là nền bóng đá của Italia.  

PHẦN GIAO LƯU

Anh Nguyên này, em thấy công việc của anh khá vất vả, phải đi nhiều nơi, lấy thực tế để viết bài, anh có bao giờ nghĩ mình sẽ đổi nghề không?
(NGUYEN THI VAN KHANH, 19 tuổi, Nữ, Truong DH DIEU DUONG NAM DINH, SINH VIEN)

Nhà báo Trần Nguyên: Cám ơn bạn đã nghĩ là Nguyên làm việc vất vả. Thật ra thì vui nhiều hơn mệt, nên mặc dù những chuyến đi có làm Nguyên trở nên xấu xí một chút (một chút thôi nhé), thì vẫn thấy vui. Có lẽ máu ham chơi vẫn còn nhiều lắm, Nguyên lại là đứa rất tò mò nên cho đến giờ thì chưa có ý định đổi nghề.

Em thấy chị Lan dẫn chương trình rất hay, đôi lúc có một chút sai sót thì chị lại sửa lại rất thông minh, không chê vào đâu được. Nhưng em chưa bao giờ được đọc bài viết nào về chị cả. Chị có thể cho em biết bí quyết thành công của chị được không? Trong cuộc sống chị có thấy mãn nguyện với những gì mình đang có không?
(NGUYEN THI VAN KHANH, 19 tuổi, Nữ, Truong DH DIEU DUONG NAM DINH, SINH VIEN)

Nhà báo Thanh Lan: Cảm ơn bạn vì đã có lời động viên mình như vậy. Trong cuộc sống mình luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, một công việc tốt, một gia đình luôn là điểm tựa sau những giờ làm việc căng thẳng, đuợc làm những gì mà mình yêu thích.. Mình quả là một người may mắn, điều đó luôn cho mình một cảm giác hạnh phúc.

Tổng biên tập Báo Khuyến học và Dân trí,
ông Phạm Huy Hoàn, chúc mừng các nhà báo trẻ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi rất hâm mộ Trương Anh Ngọc từ hồi Ngọc còn ở Đài truyền hình Hà Nội vì khả năng bình luận bóng đá và những thông tin mà anh đem lại cho khán giả. Xin hỏi anh bố trí thời gian thế nào để chăm lo cho cả sự nghiệp và gia đình? Tôi có ý định học tiếng Italia và muốn anh giúp đỡ, anh có sẵn lòng không?
(Nguyễn Văn Đoàn, 34 tuổi, Nam, Hòa Bình, Kỹ sư viễn thông)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Công việc của mình ở tòa soạn rất là nhiều. Không chỉ viết bài, mình còn phải biên tập lo phần trình bày lên trang của phần thể thao thế giới. Thường mỗi ngày chuẩn bị cho tờ báo ra mình phải ở trên  tờ báo 12-14 tiếng hoặc hơn. Những kỳ World Cup hoặc Euro thì ở trên đó cả ngày, ăn ngủ trên đó luôn. Nhiều khi đi làm con vẫn ngủ về nhà thì con vẫn ngủ, rất khó có thể điều tiết giữa công việc và gia đình. Về vấn đề này thì gia đình rất thông cảm, vì họ cũng là những người làm báo. Tuy nhiên mình cũng rất cố gắng thu xếp để có những buổi đi chơi cùng với gia đình.

Hiện nay ĐSQ Italia đang mở một lớp học tiếng Italia sẽ khai giảng vào tháng 9, học ở trường Trưng Vương Hà Nôi, bạn nên qua đấy để đăng ký để kịp khóa học.

Nhà báo Trần Nguyên

Chào bạn Vũ Nguyên, khi đến Acech nơi xảy ra sóng thần, bạn có cảm xúc gì và khi đó bạn đã có chủ đề gì cho bài báo về thông tin này? Bí quyết để truyền tải những thông tin sống động cho độc giả của một nhà báo trẻ tài năng như bạn?
(Đặng Xuân Thanh, 27 tuổi, Nam, Hà Nội, Kinh doanh)

Nhà báo Trần Nguyên: Nói thật nhé, khi xuống đến sân bay Aceh thì Nguyên hơi hoảng. Mọi thứ cứ rối tung cả lên và cái không khí thì đặc quánh những chết chóc... Thông tin ở nhà gởi sang báo là tình hình đang rất nguy hiểm. Nhưng biết làm sao, khó khăn lắm mới đến được thì không thể quay lui. Thế là xông vào thôi.

Cho đến khi vào đến nơi thì Nguyên mới biết là tình hình không đến nỗi kinh khủng như một số kênh thông tin khác đưa tin. Người Aceh hiền lành, chất phác và hiếu khách, dù họ đang rất lo sợ về thảm họa có thể quay lại.

Với Nguyên, tất cả những gì mình có thể làm cho độc giả là kể lại những câu chuyện quanh mình. Nguyên đi cùng anh thông dịch viên khắp nơi, quan sát, hỏi thăm và về kể lại, y như là đang viết thư cho gia đình thôi. Nguyên nghĩ là những gì mình thấy lạ, thấy xúc động thì nên chia sẻ với mọi người.

Chào Thanh Lan. Mình rất thích phong cách dịu dàng, nữ tính mà Lan thể hiện trong những chuơng trình bạn dẫn. Lan quan niệm như thế nào về hạnh phúc?
(tran hung, 34 tuổi, Nam, Ba Đình - Hà Nội, doanh nhân)

Nhà báo Thanh Lan: Nếu mà anh cảm thấy như thế, thì đó là hạnh phúc của một nguời dẫn chương trình như em rồi đấy.

Hạnh phúc đối với em rất đơn giản, đó là đuợc làm những công việc mình yêu thích, được khám phá cuộc sống mới mẻ xung quanh mình và được chia sẻ với những nguời bạn chân thành. Khi em có thể giúp một nguời bạn của mình vượt qua được những khó khăn gì đó, em cảm thấy hạnh phúc hơn cả những gì mình làm cho chính mình.

Nhà báo Thanh Lan

Tôi nghĩ tất cả các chương trình thời sự VTV nên phát trực tiếp. Chị nghĩ sao về đề nghị này? Cần đa dạng hoá hình ảnh bản đồ và các vùng miền trong chương trình dự báo thời tiết vì qua đây tôi nghĩ nhiều người sẽ học, hiểu hơn về địa lý Việt Nam - "một công đôi việc".
(Nguyen Van Chinh, 28 tuổi, Nam, PTSC Quảng Ngãi, Nhân viên Thương mại)

Nhà báo Thanh Lan: Thực ra có rất nhiều chương trình của đài truyền hình Việt Nam đều đang phát trực tiếp. Chẳng hạn như chương trình thời sự, tất cả các bản tin đều đuợc phát sóng trực tiếp: từ 6h sáng, 9 h, 12 h, 16h, 19h, đến 23h đêm. Chắc có lẽ do không bắn chữ " trực tiếp" nên anh không biết mà thôi.

Để có một chương trình trực tiếp hoàn chỉnh đòi hỏi một sự chuẩn bị chu đáo của cả một ê kíp làm việc, từ biên tập viên, kỹ thuật viên, đạo diễn và nguời dẫn chương trình... Tuy nhiên một số chương trình khác như trò chơi, hay giao lưu, đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nhau mà nhiều khi vì lý do kỹ thuật chưa thể đáp ứng ngay đuợc...

Nhưng tôi nghĩ rằng, trong tương lai sẽ có nhiều chương trình truyền hình trực tiếp hơn nữa. Còn về chuyện bản tin thời tiết, tôi nghĩ ý kiến của anh rất hay, tôi sẽ cố gắng chuyển lời đóng góp đó đến nguời phụ trách của chuyên mục này.

Nhà Báo Anh Ngọc (trái)
Chào Anh Ngọc! Tôi rất ấn tượng với lối bình luận cũng như sự hiểu biết của bạn về đất nước và bóng đá Italia. Tôi đã từng khá thất vọng khi bạn không làm ở chương trình bình luận bóng đá ở đài TH Hà Nội nữa. Lý do nào mà bạn ra đi?
(hoanguyenduc, 32 tuổi, Nam, Hà Nội, phóng viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Cũng đã có rất nhiều người hỏi mình câu này, nhất là thời sau khi mình rời khỏi Đài TH HN vào tháng 5/2002. Thực ra Bình luận chỉ là một đam mê lớn. Mình không muốn suốt ngày ngồi trong studio, mà bay nhảy vì được đào tạo chuyên nghiệp báo viết, có thể viết về nhiều vấn đề khác nhau, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Mình về báo TT&VH TTXVN, một phần là vì như vậy, vì đây là một cơ quan báo chí rất lớn tầm cỡ quốc gia. Ngoài ra tờ TT&VH cũng là tờ báo mà mình hâm mộ từ ngày nhỏ và luôn mơ ước được viết cho tờ báo này. Bây giờ mình đã toại nguyện. Nhưng bây giờ mình đã bình luận trở lại vì không thể xa  rời được truyền hình.

Nếu có điều kiện bạn có thể xem chương trình bình luận bóng đá Italia trên truyền hình số VTC chủ nhật hàng tuần.

Em đã đọc nhiều bài viết của anh viết về giới trẻ và du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, anh có thể chia sẻ cách tiếp cận nguồn tin này được không? Nói thật là em mới ra trường, được giao viết mảng này nhưng thấy khó quá…
(Vương Lan Mai, 22 tuổi, Nữ, Hà Nội, Phóng viên tập sự)

Nhà báo Trần Nguyên: Thích quá. Viết về sinh viên VN ở nước ngoài là một trong những điều mà Nguyên thích nhất. Vì những người bạn này có nhiều điểm chung với mình, nhưng lại có những điểm rất riêng và đặc trưng của du học sinh. Chẳng hạn nhớ nhà, cảm thấy đơn độc trong những ngày lễ tết... Và họ lại có những hoạt động rất hay để kết nối nhau lại.

Bạn hãy bắt đầu bằng việc lục tìm những website của du học sinh, nhiều lắm. Nguyên biết kha khá nhưng không có ở đây, chỉ ghi cho bạn được vài địa chỉ:

Hội thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản: www.vysa.jp;

Câu lạc bộ du học sinh VN tại Hàn Quốc: www.vnkronline.net;

Từ những "mối làm ăn" cơ bản này, bạn có thể truy ra được nhiều điều thú vị, nhiều nguồn tin khác nhau nữa đấy. 

Câu hỏi cho chị Thanh Lan: Chị sắp dẫn Chương trình Vinh Quang Việt Nam - chị suy nghĩ gì về cái tên gọi của chương trình này? Và bản thân chị sẽ làm gì để chương trình xứng với tên gọi của nó?
(Vu Pham Ha Lam, 18 tuổi, Nữ, Nha Trang, sinh vien )

Nhà báo Thanh Lan: Vâng đúng là như vậy, chỉ còn 4 ngày nữa thôi ạ. Dẫn chương trình Vinh Quang Việt Nam đó cũng là một vinh dự đối với một nguời dẫn chương trình, nhưng kèm theo đó là những áp lực đối với chính mình.

Chương trình lần này sẽ chọn những gương mặt, những anh hùng tiêu biểu của lực luợng công an nhân dân. Họ - những con người rất bình dị, thầm lặng nhưng sự hy sinh thì vô cùng to lớn... Không phải ai cũng có thể hiểu hết đuợc gì họ đang phải đối mặt, phải trải qua...

Mình sẽ cố gắng làm cho nhiều nguời hiểu hơn về họ ở những góc độ bình thường nhất, giản dị nhất...

Nếu bạn quan tâm đến chương trình này, thì đừng quên theo dõi vào tối thứ 6 tới nhé. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. 

Cùng với nhóm phóng viên của báo Tuổi Trẻ đạt giải nhất báo chí toàn quốc năm 2004 ở thể loại phóng sự, ký sự và bút ký với tuyến bài về nạn nhân chất độc da cam - anh có tin vụ kiện đòi công lý này mình sẽ thành công không?
(Nguyễn Công Hậu, 47 tuổi, Nam, Sóc Trăng, Sở Văn hóa)

Nhà báo Trần Nguyên: Hiện giờ thì chúng ta vẫn đang thành công đấy chứ. Dư luận trong và ngoài nước đều hết sức ủng hộ những nạn nhân của chất độc da cam. Mọi người quan tâm nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và hoạt động tích cực hơn vì những nạn nhân này. Với Nguyên, đó là một bước thành công.

Phán quyết của tòa án thì chỉ là phán quyết. Cho đến bây giờ, nó không đóng vai trò quyết định nữa, vì chúng ta đã thắng trên bình diện công lý, con người.

Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng có một quan điểm rất rõ khi tiếp tục thực hiện những chương trình trên mặt báo và sau mặt báo để ủng hộ các nạn nhân này: lửa công lý không bao giờ tắt!

 Anh học hỏi những điều anh biết về bóng đá, kinh tế, chính trị... của đất nước Italia từ đâu? Và mỗi ngày anh dành bao nhiêu thời gian để tìm hiểu về đất nước, con người Italia?
(Vũ Anh Khuê, 27 tuổi, Nam, Trường PTDL Nguyễn Trường Tộ-Nguyẽn Trãi - Thanh Xuân - HN, Giáo viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào em! Từ nhỏ mình đã có điều kiện tiếp xúc với văn hóa châu Âu nói chung và Italia nói riêng, vì có rất nhiều người nhà đi nước ngoài, họ mang rất nhiều đồ lưu niệm sách báo về. Ngoài ra, bố mình có một tủ sách rất lớn về văn học - văn hóa và địa lý. Ngày xưa, suốt ngày bị nhốt trong nhà thì chỉ biết giết thời gian bằng cách đọc. Mình đã đọc hết tủ sách hàng nghìn cuốn như thế và còn nhớ rất nhiều đoạn trong từng cuốn sách. Ngoài ra mình là người rất ham học hỏi, rất thích đọc lúc nào cũng cầm một tờ báo hoặc cuốn sách mới chịu được.

Mình thích nước Italia bắt đầu qua bộ phim "Bạch tuộc" năm 1986, và từ đó nước Italia là một niềm đam mê lớn. Bóng đá Italia chỉ là một phần nhỏ trong tình yêu ấy. Mình đọc và xem hầu như tất cả những gì liên quan đến nước Italia. Mỗi ngày lên cơ quan, việc đầu tiên là xem tình hình thế giới bằng tiếng Italia, vừa để học vừa để trau dồi tiếng Italia.

Chào anh Anh Ngọc! Em là 1 fitosi của bóng đá Italia và em rất thích những bài viết của anh trên TT&VH. Với những hiểu biết vốn có của anh hiện nay về nước Italia (văn hóa, xã hội, ngôn ngữ...), anh có ước muốn một ngày nào đó được làm việc tại 1 tờ báo thể thao nổi tiếng của nước này không (Gazzetta Dello Sport chẳng hạn)? Chúc anh mạnh khoẻ và ngày càng có nhiều bài viết hay về bóng đá Italia.
(Phan Thành Chung, 20 tuổi, Nam, Hà Nội, Sinh Viên )

Nhà báo Anh Ngọc: Chào em! Thực ra bây giờ mình đã làm việc cho một tờ báo nổi tiếng rất có uy tín trong làng báo là tờ Thể thao và văn hóa. Còn nếu làm việc cho một tờ báo của Italia thì còn gì bằng. Tuy nhiên mình phải làm chủ được tiếng Italia đã và phải học nhiều hơn.

Thưa chị Thanh Lan! Chị là một trong những BTV- PV của VTV mà tôi rất ái mộ. Đặc biệt, trong mục “Mỗi ngày một cuốn sách”, tôi thấy chị tỏ ra rất thông minh, duyên dáng và lịch lãm… Tôi chỉ băn khoăn một điều, để mỗi ngày có được một lời giới thiệu… hơi bị hấp dẫn về một cuốn sách hay trên TV, chị đã đọc nó vào lúc nào? Và nếu như bởi lý do khách quan (thiếu thời gian chẳng hạn) mà chị không đọc hết, hoặc thậm chí không đọc dòng nào, thì chị viết lời giới thiệu nó như thế nào? Một điều nhỏ riêng tư nữa, “ông xã” của chị có cùng nghề báo không? Nếu không cùng nghề thì anh ấy có thông cảm với những vất vả rất đặc trưng “nghề nghiệp” của chị không? Cảm ơn chị! Trần Hoài (Phóng viên - BTV Báo Quân khu Bốn, tel: 0912657506; email: tranhoai@s.vnn.vn)

Nhà báo Thanh Lan: Em đọc sách vào mọi nơi, lúc nào có thể - những giờ rảnh rỗi. Đó không chỉ là công việc mà còn là một sở thích từ nhỏ. Có thể khẳng định với anh rằng, không có một cuốn nào em điểm mà em không đọc hết. Khán giả bây giờ tinh ý, nhạy cảm, nếu mình mà điểm qua loa, họ sẽ nhận ra ngay... Có rất nhiều cuốn sách dày hàng ngàn trang, không chỉ riêng em đâu, mà tất cả các thành viên trong nhóm đều phải đọc trước đó hàng tháng, nắm được nội dung cuốn sách đã khó, hiểu đuợc tư tưởng của nó còn khó hơn. Nhưng nếu không như vậy thì làm sao có thể thu hút được khán giả đến với mình, làm sao có thể khiến anh bị lôi cuốn đến vậy??

Ông xã em không cùng nghề báo nhưng lại rất hiểu về công việc của nguời làm báo, và đặc biệt cũng rất mê đọc sách. Rất nhiều cuốn sách, anh ấy chính là khán giả "khó tính" góp ý để em hoàn thiện hơn

Nguyên ơi, tớ và bạn cùng là đồng nghiệp. Bạn có người yêu chưa? Tớ rất muốn làm quen với bạn. Khi được BBT cử sang viết về vụ việc sóng thần tại Indonesia, bạn tác nghiệp như thế nào tại đó?
(Sông Lam, 24 tuổi, Nữ, Hà Nội, phóng viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Tớ từng thề là chả bao giờ yêu đồng nghiệp cả. Một đứa thích lang thang, thậm chí nhiều khi... sa đọa như Nguyên là đủ rồi, thêm một đứa như thế thì có mà chết.

Và sau khi tớ thề như thế thì một cô đồng nghiệp cưa đổ tớ ngay tắp lự. Khổ nhất là sau đó thì cô nàng mang tớ ra chợ và bỏ quên. Thế là tớ lại trở thành một đứa cô đơn... Tất nhiên là đôi khi cũng có tán tỉnh vu vơ nhưng chưa bị ai "hại đời" cả.

Email của Nguyên là thế này: trannguyen@tuoitre.com.vn. Bạn biết phải làm gì rồi chứ nhỉ? Tớ chờ đấy!

Gửi anh Ngọc. Em rất thích các buổi bình luận bóng đá và các bài báo của anh vì chúng rất sâu sắc và hài hước. Thật tiếc những BLV như anh không nhiều, có lẽ chỉ có anh và anh Long Vũ bên ĐTH VN. Vậy anh thấy các BLV khác thế nào?
(ngoctuan, 24 tuổi, Nam, haibatrung, sinhvien)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Đúng ra mình và Long Vũ rất thân nhau, có lẽ là vì hai người giống nhau ở rất nhiều điểm, nhưng điểm quan trọng nhất là luôn luôn tìm tòi những cách thể hiện mới để làm cho chương trình thêm phần sinh động và vui vẻ, vì bóng đá cũng chỉ để giải trí mà thôi.

Nhưng có lẽ điểm khác của mình so với các BLV khác là ở quan niệm làm nghề. Bóng đá cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống, nhưng nó chịu sự chi phối của cuộc sống và bản thân bóng đá cũng là một xã hội thu nhỏ. Mình cũng cảm thấy bóng đá rất giống với cuộc đời của mỗi người - mỗi trận đấu là những cung bậc tình cảm rất khác nhau, có cả bi kịch - hài kịch; niềm vui - nỗi buồn; và không bao giờ có một kết thúc có hậu. Cuộc đời cũng vậy.

Chính vì vậy, khi mình viết và bình luận mình đều muốn đi sâu vào những cung bậc ấy, sống cùng với các cầu thủ, huấn luyện viên và cả những người xem. Hơn nữa, mình cũng muốn truyền tải những thông tin về văn hóa xã hội con người của nền bóng đá mà mình đang làm về thành phố nơi đang diễn ra trận đấu, để cho người đọc người xem có thể mở rộng hơn nữa hiểu biết của mình, làm cho các trận đấu bổ ích đáng xem.

Xét cho cùng, bóng đá không chỉ là 5400 mét vuông sân cỏ mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nữa của cuộc sống. Mình luôn tâm niệm một BLV phải làm được điều này thì mới thành công.

Chị Thanh Lan ơi, bí quyết nào giúp chị tự tin như vậy khi đứng trước nhiều khán giả? Cảm giác của chị khi lần đầu tiên đứng trước máy quay? Cảm ơn chị nhé!
(Hoang The Hieu, 21 tuổi, Nam, truong cd spkt vinh, co khi )

Nhà báo Thanh Lan: Cảm giác đứng trước máy quay cách đây 9 năm rồi, khi lần đầu tiên mình lên hình trong chương trình Chào buổi sáng. Hồi hộp và không đuợc tự nhiên cho lắm... Nhưng nếu vượt qua đuợc cảm giác đó, vượt qua đuợc chính mình - và phải nghĩ rằng mình đang nói chuyện với hàng triêụ khán giả như nói với nguời thân của mình thì mình sẽ cảm thấy tự nhiên hơn. Tuy nhiên để có đuợc sự tự tin thì phải có kiến thức, phải có một thần kinh tốt... - những yếu tố đã sẽ khiến mình luôn làm chủ mọi tình huống.

Chào Nguyên, ra Hà Nội Nguyên thích ăn nhất món gì? Thích điều gì nhất về Hà Nội? Nhớ ai nhất khi rời Hà Nội?
(Tuấn, 27 tuổi, Nam, Sơn Tây, buôn bán chữ nghĩa)

Nhà báo Trần Nguyên: Báo cáo các đồng chí là món ngon nhất ở Hà Nội mà lần nào Nguyên cũng phải ăn là... đậu rán trứng muối. May mắn là hôm qua, vừa ra đến nơi là đã có một ông bạn già dẫn đi ăn ngay.

Nguyên thích được ngồi uống café ở Hà Nội, Moca ở phố Nhà Thờ, café Phố Cổ ở Hàng Gai. Ngồi thích ơi là thích. Ngoài ra, còn có một lũ bạn thích lê la bia hơi Hà Nội.

Hiện giờ thì chưa có ai để nhớ nhất cả, thế mới chán chứ. Toàn một lũ bạn trai già không.

Anh Ngọc yêu nước Ý và đội tuyển Ý như thế, liệu anh có chắc rằng anh không bao giờ "thiên vị" trong trận đấu có đội tuyển yêu thích của anh không?
(Đặng Thùy Vân , 21 tuổi, Nữ, Thái Hà, Sinh Viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Dĩ nhiên là mình không tránh khỏi điều ấy rồi. Nhưng mình luôn luôn cố gắng giấu sự thiên vị của mình đi. Một BLV mà quá thiên vị cho một đội bóng sẽ gây ra những phản ứng trái ngược trong lòng các CĐV. Mình quan niệm càng yêu đội bóng đó thì càng khắt khe với chính mình hơn. Xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi!

Em chào chị Thanh Lan ạ. Em hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Em có một băn khoăn nhỏ rất mong chị giúp em. Em thấy kiến thức học trong nhà trường hiện nay chắc chắn là chưa đủ cho việc làm nghề báo sau này. Với tư cách là một người chị trong nghề, chị có thể cho em lời khuyên về những mảng kiến thức cần thiết cho nghề báo. Em xin chân thành cảm ơn chị ạ. Chúc chị mọi điều bình an!
(Nguyễn THị Minh Yến, 20 tuổi, Nữ, Báo ảnh K23 Phân Viện Báo Chí và Tuyên Truyền, Sinh Viên )

Nhà báo Thanh Lan: Em rất giống chị cách đây 9 năm, khi chị làm sinh viên khoa báo chí trường Phân viện. Đúng như vậy, kiến thức trong nhà trường chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho hành trang của một nhà báo. Nhà báo phải lăn lộn với nghề, phải va chạm nhiều với thực tế cuộc sống, mới cho mình đuợc những kiến thức mà không truờng lớp nào có thể dạy đuợc. Em đang là sinh viên, em cũng có thể viết bài, rồi gửi đăng báo... mỗi lần như vậy em sẽ truởng thành hơn rất nhiều đấy. Hãy giả định mình là nhà báo đi?? em sẽ tự thấy mình phải làm gì??

Gửi chị Thanh Lan. Theo chị thì lợi thế của VTV làm chị nổi tiếng hay chính sự khéo léo của chị khi dẫn chương trình giúp cho Thời sự trở nên dễ nghe?
(Quang Dung, 32 tuổi, Nam, TP HCM, Nhà báo)

Nhà báo Thanh Lan: Được cả hai yếu tố đấy thì còn gì bằng hả anh. Đạt đuợc điều đó thì có lẽ em không bao giờ bị mất việc đâu anh nhỉ? Em rất yêu thích công việc hiện nay, công việc cho em nhiều thứ: kiến thức, sự tự tin, khám phá cuộc sống mới mẻ hàng ngày... quá nhiều. Vậy em phải luôn tự cố gắng hoàn thiện để không phụ lại những gì đã nuôi duỡng mình.

Anh Nguyên ơi! Em đang là SV Báo chí năm 2. Em hâm mộ anh lắm! Hiện giờ em chưa viết được bài nào. Anh có thể cho em 1 số lời khuyên để có thể viết được những bài báo hay không? Và vì anh cũng ở TPHCM, nên em có thể tới toà soạn TT xin gặp anh, để nhờ anh chỉ giáo không? Cám ơn anh!
(Hoa sua, 20 tuổi, Nam, TP.HCM, SV)

Nhà báo Trần Nguyên: Ngày mai Nguyên về TPHCM rồi, bạn đến uống café tán dóc thì được, chứ đến để "thọ giáo" thì chẳng ai dám "chỉ giáo" đâu. Địa chỉ thì bạn biết rồi đấy: 60A Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận.

Còn Nguyên cũng đâu có viết được bài nào hay đâu mà khuyên bạn. Chỉ cần mình dốc hết sức cho bài viết và cảm thấy đó là cái tốt nhất mà mình có thể làm được thì có lẽ đó là những bài báo hay. Điều quan trọng là phải viết những gì bạn nghĩ, bạn cảm và bạn nhìn thấy, đừng viết những điều to lớn quá thì dễ thành công hơn. Hãy bắt đầu bằng việc viết về người bạn bên cạnh mình, về những điều tốt, điều chưa tốt và cả điều xấu của anh ta. Biết đâu bạn lại chẳng có một bài hoành tráng về chân dung một sinh viên báo chí thời đại mới...

Chào Thanh Lan. Khi nhìn thấy Thanh Lan lên hình lần đầu tiên, chị rất có cảm tình và khi đọc những bài báo gần đây về Thanh Lan, chị mới thấy làm nghề phát thanh viên cũng vất vả không kém gì nghề của bọn chị. Chúc em và gia đình hạnh phúc và riêng em hãy trưởng thành và hãy yêu nghề nhiều hơn nữa!
(Đặng Bảo Khánh, 50 tuổi, Nữ, 27 Trần Xuân Soạn - Hà Nội, Nghiên cứu Xã hội học)

Nhà báo Thanh Lan: Em cảm ơn chị. Em rất vui vì có những nguời yêu truyền hình và hiểu công việc của bọn em đến vậy

Ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Anh có niềm đam mê gì nữa ngoài bóng đá không anh Ngọc ơi?
(Nhat Anh, 28 tuổi, Nam, Cau Giay, kinh doanh)

Nhà báo Anh Ngọc: Âm nhạc (nhạc không lời, nhạc New age, nhạc cổ điển, nhất là Chopin), Văn học (văn học cổ điển Pháp, Nga, nhất là Dumas cha và Tolstoy), truy cập Internet và chơi game chiến thuật bóng đá CM.

Là một nhà báo, ngoài đam mê và kiến thức học được ở nhà trường, thì theo anh Trần Nguyên để thành công và có một chỗ đứng vững chắc trong nghề nghiệp đòi hỏi người làm báo phải có những ưu điểm nào nữa? Có nhất thiết phải tốt nghiệp khoa báo chí mới làm được nhà báo không anh?
(huy phuong, 22 tuổi, Nam, tp.hcm, sinh vien)

Nhà báo Trần Nguyên: Bạn hỏi một câu to như thế thì Nguyên chịu. Chỉ biết là những đàn anh đi trước mà Nguyên ngưỡng mộ thì làm việc rất căng và chơi rất giỏi. Có một câu nói của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng mà Nguyên muốn chia sẻ với bạn trong trường hợp này: "Một người làm báo giỏi thì luôn ăn bữa cơm của đề tài, mơ giấc mơ của bài viết và đi tắm cũng lởn vởn chuyện viết lách trong đầu...".

Nguyên nghĩ thế này: không cần tốt nghiệp khoa báo chí vẫn có thể làm báo tốt, nhưng sau đó thì nên đi học thêm nghiệp vụ. Ngày xưa, lúc học trong trường, Nguyên lười lắm. Sau này mới xem lại những giáo trình của các thầy cô mới thấy mình ngốc. Nếu ngày xưa chăm học một tẹo thì đã đỡ khổ hơn nhiều...

Nhà báo Thanh Lan: Yêu thích nghề báo - đó chính là một tố chất quan trọng để trở thành một nhà báo tương lai rồi đấy. Khi em yêu thích một cái gì đó em sẽ đặt ra đuợc những mục tiêu để mà phấn đấu. Từ uớc mơ đến hành động còn là một khoảng cách rất xa - nhưng nếu đã xác định đuợc phương huớng và đuờng đi của mình đó là một nửa của thành công rồi đấy. Chúc em thành công - em hãy quyết tâm lên nhé.

Nhà báo Anh Ngọc: Bạn cần trung thực và tôn trọng sự thật.

Nhà báo Trần Nguyên: Ngoài ra bạn cần... ham chơi 1 chút nữa

Chào anh Ngọc! Em hâm mộ anh từ khi còn là SV năm thứ nhất của Trường ĐH KHTN HN. Em muốn hỏi anh: Hiện nay, bóng đá là môn thể thao vua nhưng cũng rất nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Với tư cách là một Bình luận viên, một nhà báo chuyên viết về bóng đá anh có ý tưởng gì nhằm góp phần làm hạn chế sự quá khích của một bộ phận không nhỏ người hâm mộ, đồng thời nâng cao tính lành mạnh trong cổ vũ bóng đá?
(Nguyễn Quốc Huân, 24 tuổi, Nam, Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung, Nghiên cứu viên Môi trường)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Thực ra, đó là việc làm của nhiều ngành và giới, chứ không chỉ của các phóng viên chúng tôi. Sự quá khích của các CĐV một phần là do phông văn hóa của họ còn thấp, và một phần nữa là do tác động của báo chí. Ví dụ: trường hợp của Văn Quyến, CĐV chỉ đơn giản là tiếp xúc với anh ta qua báo chí mà không trực tiếp gặp để hiểu rõ về con người này. Theo tôi, Quyến không phức tạp và hư hỏng như mọi người nghĩ mà cần phải được thông cảm về nguồn gốc xã hội, hoàn cảnh sống và môi trường cậu ta đang ở trong đó. Báo chí đã rất thiếu khách quan khi viết về Quyến. Khi cần có một ngôi sao thì họ lăng-xê. Khi cần một tội đồ thì họ cũng tìm đến Quyến, dù sự việc không đến mức quá nghiêm trọng. Quyến cần một người bạn, một người thầy để chỉ bảo cho mình chứ không cần những nguời đưa mình "lên mây" và ném mình "xuống đất".

Sự yêu ghét của các CĐV với Quyến là do tác động của báo chí phần lớn. Trong nhiều trường hợp, đưa thông tin là cần thiết nhưng cần phải lưu ý đến những hậu quả về mặt con người.

Thưa chị Thanh Lan, để có được sự hấp dẫn khi làm chương trình, điều chị chú ý nhất là gì? Một người dẫn chương trình nữ thì cần có những tiêu chuẩn nào?
(Phạm Minh Đức, 22 tuổi, Nam, Đống Đa - Hà Nội, sinh viên)

Nhà báo Thanh Lan: Sự hấp dẫn đuợc tạo nên bởi nhiều yếu tố, và để hấp dẫn nhiều nguời cũng phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố. điều quan trọng nhất ngoài kiến thức, sự linh hoạt chính là cái duyên. Ngoài cái duyên trời cho, còn có cái duyên do chính mình tạo nên. Khi dẫn chương trình, em luôn cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh đó, sự kiện đó, có thể mới tạo ra đuợc cái hồn trong cách dẫn

Anh thấy giữa bình luận bóng đá trên truyền hình và trên báo viết có gì khác nhau? Cái nào khiến anh tổn hao nhiều sức lực và trí tuệ hơn?
(hoanguyenduc, 32 tuổi, Nam, Hà Nội, phóng viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Bình luận bóng đá trên báo thì cần phải được chuẩn bị rất tốt về mặt tư liệu, có nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề mà cần viết. Mình thường chuẩn bị rất kỹ cho một trận đấu trước khoảng một tuần, tìm ra những điểm nhấn, những nhân vật, những sự kiện lịch sử liên quan đến trận đấu đó và phải tự suy luận xem, trận đấu hoặc sự kiện sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Thậm chí, mình còn có thể bỏ ra cả một ngày hoặc hai ngày để nghiên cứu những con số về mặt kỹ thuật và chiến thuật của từng đội bóng, để tìm ra đặc trưng trong lối chơi của họ. Đó thực ra là công việc của một HLV. Bóng đá là khoa học và cần phải có phương pháp làm việc khoa học để có thể hiểu cặn kẽ về nó.

Phương pháp làm việc đó trên thực tế có được trong suốt mấy năm mình làm BLV, mình đã ghi chép rất nhiều, bây giờ vẫn còn một tủ chứa toàn tài liệu viết tay từ ngày xưa. Trong máy tính của mình cũng chứa rất nhiều các số liệu của bóng đá từ năm 1998.

Về cơ bản phương pháp rất giống nhau, nhưng làm bình luận trên truyền hình thì cần nhiều kỹ năng hơn: mồm nói, tai nghe, mắt nhìn, đầu thì suy nghĩ, tay ghi chép. Vì là trực tiếp nên mệt hơn nhiều vì phải liên tục phân tích các tình huống đơn lẻ và phải biết tổng hợp các sự kiện để rút ra các kết luận. Nhưng nếu mình chuẩn bị tốt từ trước trận đấu thì mình không bao giờ bị động.

 Có một người hâm mộ Nguyên, muốn mời Nguyên đi uống cafe, lê la HN vào tối nay, Nguyên nghĩ sao? Đã gặp lại cô bé bán bánh mỳ chưa?
(Nguyễn Dân Hùng, 31 tuổi, Nam, 17 Sơn Tây, Paparazzi)

Nhà báo Trần Nguyên: Cứ tưởng là một bạn nữ xinh đẹp nào muốn rủ mình đi tán tỉnh lẫn nhau, ai dè lại là một anh trai đến 31 tuổi. Mà đã biết đến cô bánh mì có cái đuôi sam mà Nguyên mê mẩn ngay từ lần đầu đến Hà Nội thì chắc không phải người lạ. Thế thì alô nhau nhé.

Mở ngoặc để giải thích thêm về cô bánh mì (nếu không sẽ bị mắng là vô duyên). Cô bánh mì mà Nguyên mê thì không nhìn thấy mặt, mà chỉ mê cái bím tóc dài lắc lư trong khi đi và cô ấy đội một cái rổ bánh cao ngất trên đầu, uyển chuyển như đang làm xiếc ấy...

Bí quyết nào để Thanh Lan trẻ, đẹp dù công việc của bạn bộn bề như vậy?
(Phuong Hoang, 30 tuổi, Nam, 68 Le Lai TP Thanh Hoa, cong nhan)

Nhà báo Thanh Lan: Có một câu nói này em rất thích: Tôi không dám chắc tôi sống tốt. Nhưng tôi luôn muốn sống tốt hơn.

Mỗi ngày em tự tìm ra niềm vui cho mình, trong công việc, với bạn bè, và gia đình... Điều đó khiến cuộc sống công bằng hơn. Em nghĩ rằng, nếu mình luôn suy nghĩ tích cực thì mọi việc đều trở nên dễ dàng và tốt đẹp hơn... Đó chính là bí quyết đấy ạ

Chị Thanh Lan ơi, kỷ niệm vui nhất khi chị làm công tác dẫn chương trình truyền hình là gì vậy?
(Le Thi Y Nhi, 21 tuổi, Nữ, Nha Trang,Khanh Hoa, Sinh vien)

Nhà báo Thanh Lan: Là đuợc nhiều nguời phỏng vấn như thế này

Nếu gõ 2 chữ Trần Nguyên vào ô tìm kiếm, sẽ thấy có đến không dưới 10 trang (mỗi trang 10 bài). Nhìn vào số lượng và đọc nội dung bài cũng đủ thấy anh rất bận rộn. Vậy 1 ngày làm việc của anh là…?
(Anh Tú , 32 tuổi, Nam, TT Bộ Công An, ngõ Văn Hương Hà Nội)

Nhà báo Trần Nguyên: Xấu hổ nhất là phải khai báo cái khoản này, nhưng bị ép thì đành chịu:

- Thức dậy lúc 10h sáng.

- Café đến 11h.

- Lên cơ quan lúc 11h30 (thông thường là bị sếp mắng yêu vài câu).

- Ăn sáng lúc 11h45 (chả biết có còn "sáng" không nữa).

- Bắt đầu giải quyết các loại email, thư từ và các cuộc hẹn. Thông thường mỗi ngày Nguyên nhận khoảng 50 cái mail và phải trả lởi chừng 10 cái.

- Sau đó thì còn tùy, chẳng biết thế nào. Có khi ngồi viết bài, có khi phải chạy ra ngoài lấy tin rồi mới viết, nhưng có khi chỉ canh me trốn cơ quan đi bơi.

- Nếu hôm nào phải trực thì sẽ ở cơ quan và làm việc đến 24h. Còn không thì sẽ rời cơ quan lúc 19h và bắt đầu chương trình café quen thuộc. (Khi nói đến đây thì bạn Minh ngồi cạnh bên bảo là chương trình ăn chơi bắt đầu).

- Khoảng sau 0h thì Nguyên về đến nhà. Đọc sách và học bài đến khoảng 2, 3h sáng gì gì đấy và khò khò.

Thật ra thì cơ bản là thế. Nhưng nó củng bị thay đổi khá nhiều tùy theo nhu cầu công việc.

Nhà báo Trương Anh Ngọc sẽ vui lòng cho địa chỉ liên hệ để học hỏi, kết bạn và tranh luận về bóng đá Ý chứ?
(Nguyễn Văn Đoàn, 34 tuổi, Nam, Hòa Bình, Kỹ sư viễn thông)

Nhà báo Anh Ngọc: Anh có thể email cho em theo địa chỉ: anhngoc_indo@yahoo.com

Hoặc gọi điện đến tòa soạn báo TT&VH-số 33- Lê Thánh Tông -HN. ĐT phòng thể thao: 04.9331878. Em rất vui lòng tiếp chuyện anh, nếu có dịp.

Tôi hay xem chương trình "Chào buổi sáng", bạn có khi là biên tập viên, có khi là MC. Công việc của bạn hay phải đi thu thập tin tức, như thế ảnh hưởng gì tới cuộc sống gia đình của bạn không? Bạn có gặp khó khăn gì trong những khi đi như vậy? Kỷ niệm nào ấn tượng nhất đối với bạn?
(Nguyễn Hoàng Long, 32 tuổi, Nam, Lao Cai, business)

Nhà báo Thanh Lan: Cảm ơn anh đã rất thông cảm cho công việc của những nguời làm Thời sự. Đúng là ngoài việc chính là dẫn chương trình Thời sự 19h, em còn phải làm rất nhiều việc khác,chịu trách nhiệm chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách, đi làm tin, phóng sự... Mỗi một công việc lại bổ sung, hỗ trợ cho nhau, rất bận rộn nhưng mình luôn cố gắng dành mọi thời gian có thể để sắp xếp cho gia đình. Điều quan trọng nhất là phải sắp xếp sao cho khoa học nhất. Mình nhớ nhất hồi đi làm cầu truyền hình Tết năm 2000, mình phải đi tận Phú Quốc, về đến nhà đã là mồng 3 Tết, thế là hết tết rồi.

Được biết anh Nguyên là một phóng viên trẻ, mới 24 tuổi nhưng đã có nhiều thành tích đáng nể trong nghề báo. Anh nghĩ là nhân tố nào đã giúp anh thành công như vậy?
(Thái Hà, 21 tuổi, Nữ, Hà Nội, Sinh Viên)

Nhà báo Trần Nguyên: 24 là già rồi đấy chứ. Cô biên tập viên đang ngồi kế bên của dantri.com.vn mới đúng là trẻ đẹp đầy tài năng chứ.

Nói thế thôi, Nguyên nghĩ mình làm được chút xíu gì đó chính là nhờ luôn có những người ủng hộ. Chị trưởng ban thì mất ngủ khi Nguyên đi công tác, anh tổng thư ký tòa soạn thì nhắn tin đêm khuya để động viên tinh thần... Cả cơ quan ai cũng coi Nguyên như em út trong nhà, nên đi đâu cũng được cưng hết.

Bạn cứ làm việc bằng tất cả những gì mình có, bằng lòng yêu nghề và những cảm xúc thật, đó chính là những yếu tố cơ bản để bạn có thể có một bài báo tốt. Sau đó thì nhớ là phía sau lưng mỗi nhà báo, luôn có những biên tập viên, tòa soạn là những người dày kinh nghiệm hơn sẵn sàng giúp mình làm cho công việc tốt hơn nhiều lần...

Gửi bạn Thanh Lan. Bạn là người rất thành đạt và nổi tiếng, vậy sự nổi tiếng có bao giờ làm phiền bạn không? Đã bao giờ bạn gặp sự cố khi đang dẫn chương trình không, nếu có thì bạn xử lý như thế nào?
(Nguyen Van Khoa, 30 tuổi, Nam, Dan Phuong - Ha tay, Giao vien)

Nhà báo Thanh Lan: Mình luôn nghĩ mình chỉ là một nguời bình thường. Còn nếu ai đó gặp mình, nhận ra mình ở một chương trình nào đó, mình lại cảm thấy rất vui, chưa bao giờ thấy phiền lòng cả... Đôi khi sự nổi tiếng đem lại cho nguời ta nhiều tai tiếng... Cuộc sống là vậy, chuyện yêu ghét là lẽ thường tình...

Bạn đã bao giờ hình dung khi đang dẫn chương trình mất giọng mà vẫn cứ phải nói, phải cười thật tươi; đang lên hình thì bỗng dưng mất điện không biết phải xử lý ra sao... tất nhiên đó là những câu chuyện "hậu truờng" không đuợc phép thể hiện trên sóng. Vì nếu mà bạn phát hiện ra là chương trình đã không thành công rồi

Một thành viên của mạng TTVNOL.com “phán”: Giới bình luận thể thao Việt Nam chỉ nể hai “chú” Ngọc: Anh Ngọc và Hồng Ngọc (cùng làm ở Thể Thao và Văn Hóa)! Anh có “phổng mũi” không?
(tieututhoi, 17 tuổi, Nam, Nam Định, học sinh)

Nhà báo Anh Ngọc: Cảm ơn bạn vì lời khen, nếu mình "phổng mũi" thì chắc là chẳng còn gì để phấn đấu nữa. Mình thích nghe người ta chê hơn là khen.

Văn phong của anh Anh Ngọc thì không thể nhầm lẫn vào đâu được. Anh không sợ người đọc nhàm chán à? Một ngày nào đó anh có định thay đổi không?
(Quảng Hà, 27 tuổi, Nam, Hanel, Kỹ sư)

Nhà báo Anh Ngọc: Dĩ nhiên là mình sợ, mình vẫn liên tục tìm ra cách thể hiện mới để gây sự hứng thú cho độc giả. Nhưng nền chung của cách viết thì không thể thay đổi được, vì đó là cái duy nhất phân biệt mình với những cây bút khác. Cảm ơn bạn!

Chào anh Anh Ngọc, muốn viết tốt về mảng thể thao đòi hỏi những tố chất gì? Phải có những điều kiện gì để trở thành phóng viên của báo Thể Thao & Văn Hoá? Xin cảm ơn anh!
(Nguyễn Hoàng Quân, 22 tuổi, Nam, ĐHKHXH&NV HN, Sinh Viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Trước hết cần phải có sức khỏe. Dân thể thao liên tục phải di chuyển làm đêm làm ngày có khi không ăn không ngủ, nhất là những dịp diễn ra các giải đấu lớn trên thế giới. Một điều quan trọng là cần phải đam mê và hiểu thể thao. Nhưng cũng cần phải có một nền tảng văn hóa và tri thức rất lớn vì thể thao liên quan đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Một điều nữa là các bạn phải khó tính với chính mình vì độc giả bây giờ rất tinh và rất khó tính. Sâu xa hơn, thì rất khó nói về những điều kiện gì để trở thành phóng viên báo của TT&VH. Tốt nhất nếu thích làm cho báo thì bạn cứ viết bài và gửi về cho tòa soạn.

Xin hỏi anh Trần Nguyên, anh đã bao giờ gặp trường hợp: vất vả lắm mới viết được 1 tin về vấn đề nóng hổi thì báo khác đã đưa tin đó mất rồi? Lúc đó anh có bực mình không? Anh có thấy nản không? Anh nghĩ sao khi thời nay báo điện tử luôn đi trước báo giấy về tính cập nhật?
(Hải Minh, 19 tuổi, Nữ, Thái Hà, Sinh Viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Chả phải một lần, mà khối lần như thế đã xảy ra rồi. Nhưng thiệt tình là Nguyên chẳng nhớ lúc đó cảm giác của mình là thế nào nữa. Chắc là không đến nỗi bực bội hay chán nản gì đâu. Đơn giản là mình sẽ xem lại vì sao tin mình cho là "nóng hổi" nhưng lại "nguội" hơn người khác. Thế nào người ta cũng có một cái "chiêu" gì đó hay hơn mình, và chuyện quan trọng là coi thử có học được cái chiếu đó hay không.

Việc báo điện tử đang chiếm ưu thế đang là xu hướng, nhất là ở một nước đang phát triển mạnh như VN. Ngày xưa Nguyên cũng từng làm việc hơn nửa năm trời ở báo điện tử Tuoi Tre Online nên Nguyên biết nó cập nhật nhanh như thế nào. Nhưng báo giấy lại có một lợi thế mà không bao giờ báo điện tử cạnh tranh được: cái thú giở tờ báo bên ly café mỗi sáng để xem chuyện gì đang xảy ra quanh mình.


Gửi 3 nhà báo - Trong thời đại ngày nay, anh chị có quan điểm gì mới về đạo đức nghề làm báo, có sự khác biệt gì nhiều so với thế hệ các nhà báo lão thành?
(mai duy quynh, 23 tuổi, Nam, nga son-thanh hoa, sinh vien)

Nhà báo Thanh Lan: Nhà báo trẻ hiện nay năng nổ, nhiệt thành và đầy hoài bão... Tuy nhiên nhiều khi họ bị đẩy lên quá sớm, bị " chín ép". Cuộc sống cứ như một guồng quay hối hả, họ bị cuốn theo chẳng khi nào có thời gian để mà dừng lại... Nói văn hoa thì là như vậy, theo tôi: Cái quan trọng nhất đối với một nhà báo trẻ đó chính là luôn phải hiểu rõ mình là ai, mình đang ở đâu, và phải có cái tâm của nguời làm báo.

Nhà báo Anh Ngọc: Thế giới luôn biến động từng ngày, cái quan trọng nhất không chỉ là nắm bắt đuợc sự kiện, hiểu đuợc nó mà phải đoán trước đuợc tương lai và diễn biến của sự kiện... Điều đó chỉ có một con đuờng: đó là học, học mà thôi. Ngoài ra là biết tận dụng các phương tiện khoa học hiẹn đại

Nhà báo Trần Nguyên: "Cái tâm và cái đức của Nhà báo thời nào cũng giống nhau." Đó là câu tôi tâm đắc nhất của nhà báo Phạm Huy Hoàn.

Chị Thanh Lan ơi, em muốn hỏi chị quyển sách nào thì tốt cho bọn em khi mới bước vào học báo truyền hình? Em xin cảm ơn!
(nguyễn công phương , 20 tuổi, Nam, thái bình , sinh vien )

Nhà báo Thanh Lan: Vào sáng mai, trong chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách sẽ giới thiệu Bộ sách cho những nguời học làm báo. Em nhớ theo dõi nhé, trên kênh VTV1 vào lúc 6h25 phút

Chào Anh Ngoc! Xin cho hỏi làm thế nào anh có thể tự học tiếng Italy một cách hiệu quả như vậy? Có thể "bật mí" bí quyết của anh?! Cảm ơn!
(Lê Phương Hoa, 29 tuổi, K6/11Hoàng Văn Thụ Đà Nẵng, kỹ sư xây dựng)

Nhà báo Anh Ngọc: Mình không có bí quyết nào hết, mình chỉ có sự say mê và ham học hỏi mà thôi. Mình quan niệm ngôn ngữ là cầu nối của tri thức. Mình muốn hiểu đất nước, văn hóa, con người thì trước hết phải hiểu về ngôn ngữ.

Chào anh Anh Ngọc. Nếu tôi không nhầm có lẽ anh và tôi đều là cổ động viên ruột của bóng đá Ý và AC Milan. Thất bại của AC Milan ở trận chung kết C1 vừa qua và cả những màn trình diễn thiếu ấn tượng về mặt lối chơi trước đó của các đội bóng Ý cho thấy họ còn nhiều điều để làm để trở lại vị trí thống trị. Theo anh đâu là khiếm khuyết chủ yếu họ cần khắc phục?
(Nguyễn Trọng Kiên, 26 tuổi, Nam, Hàn Quốc, Sinh viên MBA)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Mình không nghĩ rằng những gì các đội bóng Italia làm là thiếu thuyết phục về mặt lối chơi. Trên thực tế, họ là những chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến thuật. Điều duy nhất mà họ thiếu là một chút dũng cảm trong những thời khắc quyết định, họ thiếu một cái "điên rồ" trong cá tính. Đó là lý do tại sao họ luôn thua trong những trận đấu quyết định.

Câu hỏi cho 3 anh chị: Cảm nghĩ của anh chị về “nghề nguy hiểm” này. Nếu bây giờ được chọn lại, anh chị sẽ vẫn chọn nghề báo chứ?
(Trần Hoàng Vân , 24 tuổi, Nam, Vũng Tàu, Kỹ sư)

Nhà báo Anh Ngọc: Hai lần có, bởi không biết làm gì hơn nữa.

Nhà báo Thanh Lan:  Em còn thiếu một vế nữa đấy: Một nghề rất vinh quang. Nghề báo cho ta khám phá thế giới cuộc sống một cách đa dạng và muôn màu nhất, Chị vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi con đuờng trở thành một nhà báo giỏi.

Nhà báo Trần Nguyên: Nếu có một nghề nào vừa đuợc đi chơi, vừa đuợc làm biếng, lại vừa đuợc "suớng" như thế này thì mình sẽ đổi nghề.

Chị được biết là Đài truyền hình KBS và MBC của Hàn Quốc vừa thực hiện phỏng vấn em và nhóm thực hiện chương trình “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Nguyên có học hỏi được điều gì từ những nhà báo chuyên nghiệp không?
(Thu Nguyen, 37 tuổi, Nam, Canada, Nội trợ)

Nhà báo Trần Nguyên: Dạ có. Họ có cách hỏi rất "ác" trong mọi chuyện. Sau đó là việc chuẫn bị tư liệu của họ công phu lắm. Những anh chàng ở KBS biết về chất độc da cam rất nhiều, trong khi MBC lại thủ sẵn trong người những tài liệu thuộc dạng hiếm hoi của đợt hoạt động, chẳng hạn bản photo của quyến tập đầy chữ ký của các em học sinh. Ngoài ra, họ còn lăn lóc ngoài đường rất nhiều để có thể thu thập thông tin từ đủ mọi chiều, đủ mọi góc độ. Sự phân công công việc này là thực sự chuyên nghiệp.

Chào chị Lan, đài truyền hình - đặc biệt là ban Thời Sự - là một môi trường làm việc với rất nhiều người giỏi nhưng cũng không kém cạnh tranh. Chị có bao giờ cảm thấy sức ép cạnh tranh từ chính những đồng nghiệp của mình?
(Đỗ Trường, 25 tuổi, Nam, Hà Nội, Phóng viên)

Nhà báo Thanh Lan: Môi trường cạnh tranh làm con nguời ta truởng thành hơn rất nhiều. Cạnh tranh ở đây đuợc hiểu là cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là sự đố kỵ, ghen ghét. Còn nếu cạnh tranh ở đây chỉ để công việc tốt hơn lên thì cũng nên lắm chứ

Là một phóng viên thể thao, anh có nhiều cơ sở để “đoán” chính xác kết quả các trận đấu. Anh đã bao giờ dùng lợi thế đó để tham gia “cá độ” chưa? Nhà báo là phải trả lời thật trung thực đấy nhé! Hehe…
(Nguyễn Minh Ngọc, 27 tuổi, Nam, TPHCM, Kỹ sư CNTT)

Nhà báo Anh Ngọc: Cảm ơn một câu hỏi khá thẳng thắn của bạn. Mình đã mách nước cho rất nhiều người cá độ, nhưng mình thì chưa bao giờ tham gia, dù chỉ một đồng. Thứ nhất, mình không máu đỏ đen, thứ hai nếu mình tham gia thì không thể viết một cách khách quan được.

Anh Anh Ngọc này, tại sao khi quay trở lại bình luận bóng đá Italia, anh không bình luận cho THHN mà lại bình luận cho VTC. Có phải THHN trả lương anh thấp hơn không?
(Vũ Anh Khuê, 27 tuổi, Nam, PTDL NGUYEN TRUONG TO- THANH XUAN-HA NOI, GV)

Nhà báo Anh Ngọc: Lương bổng là một chuyện nhỏ không đáng nói đến, mình chỉ thích làm những gì mà mình đam mê và được tạo điều kiện để làm. Mình rời Đài TH HN năm 2002, để đến báo TT&VH là nơi mình được bay nhảy và phát huy tối đa khả năng của mình. Còn đến với VTC là vì nhớ bình luận quá không chịu được. Chắc mình sinh ra là để bình luận bóng đá Italia mất rồi.

Chào anh Ngọc, em được biết anh đã có vợ và một con, liệu sau này anh có hướng nghiệp cho con mình đi theo nghề của bố không?
(Trần Thị Kim Phượng, 25 tuổi, Nữ, Minh Khai_ Từ Liêm_ Hà Nội, Kinh doanh)

Nhà báo Anh Ngọc: Cảm ơn đã hỏi một câu rất thú vị. Mình sẽ để cho con mình tự chọn nghề, nhưng tốt nhất là không nên làm báo. Vất vả lắm!

Chào Lan, mình thấy bạn trên truyền hình và ngoài đời rất duyên dáng. Bạn có ý định làm một chương trình gì đó dành riêng cho phái nữ chúng mình không ?
(Huong, 30 tuổi, Nữ, Hanoi, CB)

Nhà báo Thanh Lan: Nếu được sự phân công thì tại sao lại không nhỉ? Em thấy thế giới của phụ nữ là một thế giới đầy phức tạp và biến động nữa.

Thưa chị Thanh Lan! Cách trả lời của chị chứng tỏ chị nắm rất vững lý thuyết truyền thông. Theo chị một nhà báo có nên nói ra những suy nghĩ thật của mình mà không cần quá quan tâm đến ảnh hưởng của thông điệp hay không?
(Thu Lan, 25 tuổi, Nữ, Thanh Xuan, PR)

Nhà báo Thanh Lan: Chúng ta đang làm báo có tính định hướng mà. Nói thật là tốt, nhưng cũng nên cân nhắc xem ảnh hưởng của nó ra sao

Nhiều người nói, viết về thể thao là dễ nhất vì không phải tìm đề tài dựa vào nhận xét chủ quan của mình là chính, sự kiện thì luôn có sẵn. Anh nghĩ thế nào về ý kiến trên?
(Phương Trần, 26 tuổi, Nam, Lạng Sơn, Nhân viên văn phòng)

Nhà báo Anh Ngọc: Thực ra không phải vậy, thứ nhất vì sự kiện thể thao quốc tế xảy ra ở cách chúng ta hàng nghìn dặm, chúng ta không có mặt tận nơi để chứng kiến, dù có được xem trực tiếp qua tivi. Thứ hai, các nguồn tin quá đa dạng và nhiều chiều, rất khó có thể biết đâu là cái mà ta cần phải đưa vào bài viết. Dĩ nhiên mình phải dựa vào thông tin ở đó, nhưng không có nghĩa dịch nguyên xi và ký tên mình để lấy nhuận bút. Cái giỏi của người phóng viên làm về mảng thể thao quốc tế là biết phân tích, dự đoán tình hình và không quên đưa ra những nhận xét của riêng mình. Chính vì thế làm thể thao không dễ một chút nào, nhất là đối với những người có cá tính như mình.

Anh Trần Nguyên ơi, anh đã có người yêu chưa? Nếu chưa xin anh cho biết mẫu người con gái trong tim anh là gì? Em rất hâm mộ anh.
(ho ngoc tam nhu, 22 tuổi, Nữ, quan 2 thanh pho ho chi minh, sinh vien)

Nhà báo Trần Nguyên:

Người yêu: chưa có.

Mẫu bạn gái:

- Ngày xưa định bụng sẽ yêu một cô giáo.

- Ngày nay không biết, có lẽ ai chịu yêu mình thì mình sẽ tổ chức... xét thầu công khai.

Còn về việc bạn hâm mộ Nguyên thì Nguyên khoái lắm. Có lẽ Nguyên cũng hâm mộ bạn cho có qua có lại nhé!

Ở một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, là một phóng viên trẻ, anh có lợi thế và áp lực nào?
(Minh Trường, 22 tuổi, Nam, Hà Nội, K46 Văn, ĐHQG Hà Nội)

Nhà báo Trần Nguyên:
- À, lợi thế thì rõ rồi: trẻ, có vẻ là đẹp trai (tiếc là chẳng ai công nhận điều này) và được học nhiều từ mọi người trong cơ quan.

- Bất lợi: thì dù muốn dù không, Nguyên vẫn là một đứa nhóc chạy lung tung trong cơ quan nên nhiều khi mọi người cũng bực mình. Nhiều khi đi dự những chương trình nghị sự lớn thì cũng phải giả bộ làm người lớn cho nó hợp một chút.

- Nói chung là Nguyên đang rất hạnh phúc với những gì mình có ở Tuổi Trẻ.

Gửi Thanh Lan. Tôi thường xem các chương trình truyền hình lúc 19h hàng ngày. Theo bạn, đội ngũ phát thanh viên như vậy đã được coi là tạm hài lòng chưa? Cái cần bổ sung lớn nhất đối với mỗi phát thanh viên là gì?
(NGUYỄN, 39 tuổi, Nam, University of Machigan, USA, reseacher)

Nhà báo Thanh Lan: Hiện nay phải đến 90% các chương trình của đài truyền hình đều do các biên tập viên đảm nhiệm vai trò nguời dẫn chương trình. Việc kiêm nhiệm này chính là một xu hướng của các đài truyền hình quốc tế.   

Lan có nghĩ rằng ngoại hình đẹp mặn mà của mình đã giúp Lan rất nhiều trong công việc? Không hiểu có bao nhiêu bạn xem truyền hình không thể rời màn ảnh nhỏ bởi điều này?
(hoanguyenduc, 32 tuổi, Nam, Hà Nội, phóng viên)

Nhà báo Thanh Lan: Nếu mà tất cả các khán giả truyền hình đều yêu mến em như vậy.

Chào Thanh Lan, chúc bạn luôn tươi trẻ và xinh đẹp. Xin lỗi khi đặt ra câu hỏi này đối với bạn. Hiện tôi thấy các BTV của VTV nói sai, nói nhịu rất nhiều (kể cả bạn!), thậm chí với tuấn suất lớn. Phải chăng đây là lỗi không thể tránh khỏi? Có thể giảm thiểu được không?
(Pham Tang, 30 tuổi, Nam, Ha Noi, Kien truc su)

Nhà báo Thanh Lan: Hôm nào anh thử đọc một văn bản, một trang giấy thôi - thử không vấp xem sao nhé, anh mới có thể thông cảm đuợc phần nào cho công việc của nguời dẫn chương trình... Đấy không phải là lời bào chữa đâu, nhưng em sẽ cố gắng hơn

Rất cảm ơn anh

Tôi muốn hỏi chị Thanh Lan, theo chủ quan của mình, chị thấy mình hợp với chuyên mục nào nhất trên truyền hình hiện nay?
(Nguyen Trong Dung, 35 tuổi, Nam, Cty ôtô Việt Nam - Daewoo, Phu trach XNK)

Nhà báo Thanh Lan: Là các chương trình em đang làm: Dẫn thời sự và làm chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách

Gửi NB Anh Ngọc! Tôi đọc rất kỹ các bài của anh trên TT-VH về bóng đá Ý và đất nước Italy. Rất hay và sâu sắc. Anh có biết tiếng Ý không, các bài đăng báo là bài dịch hay là bài viết của chính anh, và từ đâu mà anh có nguồn thông tin tốt như vậy? Chúc anh dồi dào sức khỏe!
(Đinh Nho Khiêm, 38 tuổi, Nam, Tp HCM, CNV)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Mình biết tiếng Italia đủ để... đọc báo, nguồn tin chính của mình là trên mạng internet, phải bỏ tiền túi ra để mua những tờ báo độc, ngoài ra mình còn có một người bạn Italia ở Italia và phân xã TTXVN tại Roma. Họ cũng thỉnh thoảng mua giúp mình mấy tờ tạp chí. Thực ra mình chỉ dịch lấy thông tin chính thôi, còn tất cả những gì còn lại là của mình. Dĩ nhiên có những bài viết mình dịch nguyên xi, vì đó là những bài rất hay.

Em cũng là một cổ động viên cuồng nhiệt của AC Milan (điều này giống anh rồi). Vừa qua em cũng xem trận chung kết trên VTC, vì có anh bình luận đấy. Khi ACMilan thua, em vẫn thấy anh "hớn hở" lắm. Có phải lúc đó vì công việc mà anh phải kìm nén cảm xúc của mình?
(Vũ Anh Khuê, 27 tuổi, Nam, PTDL NGUYEN TRUONG TO- THANH XUAN-HA NOI, GV)

Nhà báo Anh Ngọc: Đây là một câu hỏi rất vui. Thưc ra, mình không "hớn hở" chút nào đâu. Khóc đấy. Nhưng không được để những tình cảm của mình với Milan lộ ra ngoài, đấy là điều rất kỵ trong bình luận thể thao. Còn buồn thì về nhà buồn!

Chào anh Ngọc! Em có 2 câu hỏi: - Anh bình luận bóng đa Italia rất nhiều, nếu bây giờ, anh bình luận 1 trận cúp C1 giữa 1 đội bóng Italia và 1 đội bóng đến từ nước khác thì anh có "thiên vị" đội của Italia không? - Anh có rât nhiều bút danh: Hải Minh, A.N, Anh Thư, Thư Anh... Thư là tên ai vậy?
(Lê Mạnh, 28 tuổi, Nam, Lý Thái Tổ, Kinh doanh)

Nhà báo Anh Ngọc: - Dĩ nhiên là có thiên vị một chút, nhưng chỉ một chút thôi

- Các bút danh của mình là: Anh Ngọc, AN, NA, Anh Thư (tên con gái mình), Hoàng Dung, Quách Tĩnh, Hàn Vi. Hải Minh là một CTV.

Anh Nguyên ơi, món quà mà anh thích nhất vào ngày 21/6 là gì?
(vu quy hau, 20 tuổi, Nữ, ninh binh, sinh vien)

Nhà báo Trần Nguyên: Từ bé đến giờ chưa nhận được quà 21-6 bao giờ cả. Nên hôm qua có người hứa sẽ dẫn đi karaoké là thấy hạnh phúc lắm rồi. Còn lại là một món quà lớn hơn: được ngồi đây trả lời giao lưu trực tuyến và có nhiều người hỏi thăm mình.

Anh Nguyên thân mến, tôi rất có cảm tình với các PV báo Tuổi Trẻ và luôn coi báo là món ăn không thể thiếu hàng ngày. Tuy nhiên, gần đây, một anh bạn làm phóng viên tiết lộ với tôi rằng việc tuyển PV vào làm việc tại TT cũng có một số tiêu cực, chẳng hạn như CCCC thì được ưu tiên. Điều này làm tôi hơi thất vọng và thấy băn khoăn. Liệu đấy có phải là một sự thật ? (Một lần nữa xin thứ lỗi vì đã hỏi câu hỏi này).
(Pham Tang, 30 tuổi, Nam, Ha Noi, Kien truc su)

Nhà báo Anh Ngọc: A, chuyện này chỉ là một tin đồn thôi. Đợt thi tuyển vừa rồi là một ví dụ, bạn của Nguyên mới là COCC thì rơi ngay từ vòng đầu. Với kinh nghiệm của bản thân Nguyên, thực sự rất khó để trở thành phóng viên Tuổi Trẻ. Nhưng chỉ cần mình thực sự yêu công việc, yêu tờ báo và có một chút khả năng thì sẽ được nhận vào ngay thôi.

Chào Nguyên, mình cũng học trường Nhân văn như bạn. Mình thấy tự hào ghê lắm vì có một anh chàng cùng trường “đã làm nên trò trống” và có những thành công đáng để người khác khâm phục. Xin chúc bạn thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn và luôn giữ được chất “lửa” của tuổi trẻ, của Nhân văn nhé. Một người luôn ủng hộ bạn.
(Phuong, 24 tuổi, Nam, Tp.HCM, cong chuc)

Nhà báo Anh Ngọc: Cám ơn bạn rất rất nhiều.

Chào chị Thanh Lan! Tôi và đa số khán giả ở Thái Bình đều cho rằng chị là một trong số những BTV đẹp về hình thức và giỏi về chuyên môn. Bí quyết của sự thành công hôm nay của chị? Chị có định thử sức mình ở những lĩnh vực khác không? Chúc chị luôn trẻ đẹp và thành đạt!
(To Duc Nghia, 40 tuổi, Nam, Thai Binh, Cong chuc)

Nhà báo Thanh Lan: Là không bao giờ nghĩ mình đã thành công cả. Nếu đuợc thử sức ở những lĩnh vực khác mà mình yêu thích thì mình cũng xin sẵn sàng. Nhưng đối với một phóng viên thời sự, điều quan trọng là sự tích luỹ kiến thức

Mạo muội hỏi Lan nhé: chắc lúc còn trẻ bạn học xuất sắc lắm?
(Tâm Tâm, 41 tuổi, Nam, 01a Hoàng Diệu Vũng tàu, Ksư Khai thác dầu khí)

Nhà báo Thanh Lan: Học tốt chỉ là điều kiện cần thôi nhưng chưa đủ đâu ạ, nhất là đối với nghề báo. Cuộc sống mới là môi trường cần phải học nhất.

Yêu bóng đá Ý, đất nước Ý, văn hóa Ý, công việc cũng liên quan đến... Ý, nhưng vợ vẫn là người Việt - có bao giờ anh ước được sánh đôi cùng một cô gái Ý để “bộ sưu tập” trọn vẹn?
(Hoàng Mai, 29 tuổi, Nữ, Viện Khoa học Việt Nam, Thạc sỹ Vật lý)

Nhà báo Anh Ngọc: Cảm ơn bạn đã đem đến một câu hỏi thú vị này. Lúc nào cũng nói đến Italia nhưng mình không thể quên được rằng mình là một người Việt - nói tiếng Việt, có thể sống - chết ở đây, vậy thì tại sao phải có một cô gái Italia "dây" vào đây?

Chào anh Anh Ngọc, sở trường của anh chỉ là bình luận bóng đá Italia thôi hay anh còn bình luận những giải khác nữa? Anh thích đội bóng quốc tế và đội bóng trong nước nào? Anh có thể cho em biết một số điều về đội bóng Brazil không? Em cảm ơn.
(trịnh duy quyền , 20 tuổi, Nam, yên quang - ý yên - nam định, học sinh).

Nhà báo Anh Ngọc: Sở trường của mình là bóng đá Italia. Mình đã thử bình luận cup C1 và giải vô địch châu Á 2004, thấy cũng không đến nỗi nào. Nhưng mình không muốn dàn trải, làm nhiều giải quá vì như thế sẽ không thể tập trung được. À, ngoài bóng đá Italia và AC Milan, mình thích ĐT Achentina, ĐT Hi Lạp và Mỹ.

Bóng đá Brazil rất đẹp, ngẫu hứng, và nhiều ngôi sao. Nhưng mình không thích đội này, mình chỉ thích những ngôi sao Brazil đang chơi cho Milan thôi. Thích Achentina thì không thể thích Brazil được.

Chào anh Anh Ngọc, điều gì đặc biệt ở bóng đá Italy khiến anh dầy công nghiên cứu vậy? Tôi biết rằng mỗi người hâm mộ có sở thích khác nhau với các phong cách bóng đá trên thế giới. Với tôi tôi thích bóng đá Anh hơn cả, vì ở đó có tốc độ, sự nhiệt tình và không khí cuồng nhiệt trên khán đài ở các trận đấu. Vậy anh có thể cho biết bóng đá Italy có đặc trưng gì không?
(Tony Trần, 27 tuổi, Nam, USA, Sinh viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Đơn giản bởi vì mình thích đất nước, văn hóa, con người Italia, coi nó như một cái gì đó rất thân thiết với mình từ bé, bóng đá chỉ là một khía cạnh của đất nước Italia thôi. Mình thích bóng đá Italia vì nó rất đời, một trận đấu có thể quyết định một cuộc bầu cử, số phận một và hàng nghìn con người khác, ảnh hưởng đến cả văn hóa và cuộc sống bình thường của mỗi con người. Bóng đá Italia cho mình tiếp cận với cuộc sống hiện tại, dùng bóng đá để làm tấm gương phản chiếu xã hội.

Bóng đá Anh cũng đẹp, hay, nhưng mình không thích vì nó quá xa rời thực tế cuộc sống, nó không thật, nó làm cho người ta dễ bị ảo tưởng về cuộc sống.

Thanh Lan xinh quá, lại tài ba nữa - Thanh Lan tuổi gì vậy? Có người nói, một số tờ báo hiện nay như nồi lẩu vì phải thoả mãn nhiều loại thị hiếu khác nhau. Nhân ngày báo chí cách mạng, Thanh Lan nghĩ gì về báo chí hiện nay và phóng viên nói chung và phóng viên nữ nói riêng cần phải thể hiện bản lĩnh của mình trong giai đoạn hiện nay - Cố gắng trả lời những gì mình nghĩ nhé!
(Nguyen Van Tham, 46 tuổi, Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - 6 Phạm Ngũ Lão - Hà Nội, kỹ sư trắc địa).

Nhà báo Thanh Lan: Nếu mà lẩu ngon thì chắc chắn sẽ có rất nhiều nguời thưởng thức đấy chứ a. Nhưng mà nấu đuợc nổi lẩu ngon đó còn phải là cái tài của "nguời nấu" nữa. Mà điều này chỉ có cách là phải học, và tự tìm ra cho mình bí quyết riêng.

Cháu tuổi con Mèo, Ất Mão

Gửi chị Thanh Lan. Trong chương trình thời sự, tôi nghĩ nên đưa thời lượng tin quốc tế nhiều hơn, nhất là các tin kinh tế và khoa học. Về giọng đọc, cần thể hiện nhiều giọng đọc của miền Trung và miền Nam hơn. Điều này thể hiện tính đa dạng của nhiều vùng miền hơn chăng?
(Nguyen Quoc Hung, 29 tuổi, Nam, Mộ Đức, Quảng Ngãi, Làm nông)

Nhà báo Thanh Lan: Thế nếu có nhiều khán giả khác lại nói là quá ít tin trong nuớc thì anh nghĩ sao? Đồng ý với anh là tin quốc tế hay, đa dạng nhưng trong nuớc cũng có rất nhiều vấn đề sự kiện nóng hổi thiết thực khác đó sao?? Chuyện giọng đọc, đa dạng hoá vùng miền đúng là rất tốt nhưng nếu có một giọng chuẩn nói ai cũng có thể nghe đuợc thì cũng là tốt đấy chứ ạ.

Câu hỏi dành cho bạn Trần Nguyên. Cho mình hỏi Nguyên bước vào làng báo một cách tình cờ hay là một sự lựa chọn ngay từ khi bước chân vào đại học?
(Kim Chi, 21 tuổi, Nam, Hà Nội, Sinh viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Thật ra, Nguyên làm báo vì một sự tình cờ. Tình cờ đăng ký thi báo chí cho vui, ai ngờ lại thi đậu. Giữa trường Luật và trường Báo, Nguyên chọn Báo vì trường Luật xa quá.

Sau đó, học cả mấy năm trời có biết viết lách gì đâu, cho đến môn Các thể loại báo chí thầy bảo là không có tác phẩm thì không thi được mới hoảng quá, viết ngay một bài về ca sĩ Cẩm Vân nhân dịp chị ấy hát ở Nhà văn hóa Thanh Niên cho cựu chiến binh nghe. Sau đó thì cũng chẳng viết gì, đi thực tập thì cũng viết như một bài học, sau đó thì số phận đẩy đưa từ báo này sang báo khác...

Chỉ có một lần duy nhất quyết định theo nghề là khi nộp đơn vào Tuổi Trẻ. Lúc ấy, Nguyên đang làm giám đốc đối ngoại của một công ty tin học, nhưng thấy mê làm báo quá nên không làm kinh doanh nữa.

Gửi cả 3 nhà báo: Mình thấy các nhà báo đi phỏng vấn hay hội thảo để lấy tin bài thường được tặng phong bì. Cái phong bì này có ảnh hưởng đến thông tin mà nhà báo đưa lên không? và nếu có nó ảnh hưởng như thế nào?
(Lê Minh Loan, 35 tuổi, Nữ, P 205, 31 Hai Bà Trưng, HN, Bảo hiểm)

Nhà báo Anh Ngọc, Trần Nguyên: Thường phong bì ở mỗi cuộc họp báo thì tương đương với một bữa ăn trưa nhẹ thay cho việc phải ăn tập trung. Chúng tôi thấy rằng vịêc đó là việc bình thường đang diễn ra ở các cuộc họp báo tại thời điểm hiện nay. Nhưng chúng tôi cũng loại trừ những loại phong bì mang tính mua chuộc, làm tha hoá người làm báo. Cái tâm cái đức của người làm báo không cho phép chấp thuận những loại phong bì này.

Nhà báo Thanh Lan: Giá mà nhà báo nào cũng có thể sống chính đáng bằng nghề, bằng thu nhập của mình? Thì chắc chắc sẽ còn có nhiều tình trạng từ chối phong bì nữa đấy.

Chào Chị Thanh Lan, người ta nói làm báo thú vị nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Vậy xin chị có thể chia sẻ với độc giả, một phóng viên nữ thường phái đối mặt với những cạm bẫy gì và chị đã vượt qua như thế nào?
(Hà Thanh, 23 tuổi, Nữ, Hà Nội, Nhà báo)

Nhà báo Thanh Lan: Chị chưa gặp một cạm bẫy nào chết nguời nào cả. Nhưng phải luôn tỉnh táo, sống đúng với chính mình.

Chào bạn, tôi thấy bạn là người Việt Nam duy nhất đến được Banda Aceh, nơi có hơn 150.000 người Indonesia bị chết trong đợt sóng thần. Khi được chứng kiến tận mắt những cảnh ngộ đó, cảm nghĩ của bạn thế nào? Bạn đã làm gì để giúp đỡ những nạn nhân đó?
(do van tuan, 29 tuổi, Nam, 340-Thanh Luong-Hai Ba Trung-Ha Noi, Nhien cuu vien)

Nhà báo Trần Nguyên: Lúc đấy Nguyên hơi bị sốc. Tất cả những gì mình có thể làm lúc đấy là cầm chặt tay của những người mà tôi gặp và gởi lại cho họ những gì mình còn lại. Nguyên nghĩ, mình đã làm tốt công việc của mình thông qua những bài viết. Và đoạn kết đẹp của chuỗi bài vở này là phong trào đóng góp vì những nạn nhân sóng thần của báo Tuổi Trẻ rất thành công.

Nguyên ơi, theo Nguyên bí quyết để thành công trong nghề báo là gì? Và Nguyên tự nhận mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm của những bí quyết đó?
(Nguyên Vi, 24 tuổi, Nữ, TP. HCM, Sinh viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Nguyên vẫn chỉ là một người viết báo thôi. Còn thành công hay không là do bạn đọc đánh giá. Với Nguyên, mọi việc cần được thể hiện một cách nhẹ nhàng và đơn giản, trả lời được đúng những thắc mắc, nhu cầu của bạn đọc chính là đang thành công.

Vì thế, Nguyên tự chấm cho mình 51% của yếu tố này.

Chào anh Nguyên!!! Là một nhà báo trẻ có nhiều thành công, anh có điều gì muốn chia sẻ với lớp nhà báo tương lai như bọn em không?
(Nguyễn Diệu Thu, 20 tuổi, Nữ, K48_Báo chí_DHKHXH&NV, Sinh viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Nguyên chỉ có thể nói với các bạn một điều: nếu thấy yêu nghề báo, hãy sống chết với nó. Nghề báo chẳng bao giờ phụ rẫy ai cả.

Để thành đạt được như bây giờ, chị Lan có gặp nhiều may mắn trong công việc và trong cuộc sống không? Nếu không có những may mắn đó, chị có nghĩ là chị vẫn thành công như bây giờ không?
(Vân Anh, 26 tuổi, Nam, Hà Nội, Marketing)

Nhà báo Thanh Lan: May mắn có, nhưng may mắn còn do chính mình tạo ra nữa chứ. Chắng có gì là đuơng nhiên và tự nhiên từ trên trời rơi xuống cả, mình nghĩ như thế. Mà cuộc sống đâu phải toàn may mắn, chông gai và khó khăn có khi còn làm cho nguời ta trưởng thành hơn nhiều chứ.

Chào anh Anh Ngọc, anh có thể cho em một số lời khuyên để trở thành một nhà báo giỏi trong lĩnh vực thể thao, nhất là bóng đá không? Hiện nay em đang học Phân viện Báo chí, và rất thích viết về thể thao.
(Đặng Nam Anh, 19 tuổi, Nam, Hà Nội, Sinh viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Chào bạn! Bạn cần phải có đam mê và hiểu biết về bóng đá. Trở thành một cây bút thể thao bình thường thì rất dễ. Nhưng làm thế nào để độc giả nhớ tên mình, luôn nhắc đến mình với một sự kính nể mới là điều cực kỳ khó khăn. Để được như vậy thì bạn phải chịu khó học hỏi không ngừng, nhất là đọc và liên tục phân tích, đưa ra những câu hỏi tại sao và tìm cách trả lời. Chúc bạn thành công!

 Anh không cần thầy giáo dạy mà vẫn học được tiếng Italia sao, thưa anh Anh Ngọc? Bí quyết gì khiến anh làm được điều đó?
(Vũ Anh Khuê, 27 tuổi, Nam, Trường PTDL Nguyễn Trường Tộ-Nguyẽn Trãi-Thanh Xuân-HN, Giáo viên)

Nhà báo Anh Ngọc: Không có gì là không thể làm được. Chỉ cần mình say mê và ham học hỏi thật sự là có thể làm được nhiều việc, kể cả rất khó. Tiếng Italia không khó, mình đã tự học trong rất nhiều năm, tự mua giáo trình, và ngày xưa ở Đài HN thường ngồi xem kênh RAI ở phòng vệ tinh. Mình học bằng nhiều cách: tra từ điển, ghi chép, đọc báo, đọc không chỉ về bóng đá, đối chiếu các tư liệu bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Italia và xem rất nhiều phim về Italia.

Anh Ngọc thân! Trong mấy năm học đại học, giọng bình luận bóng đá được bọn em yêu mến nhất không ai khác chính là Anh Ngọc, đầy cá tính và sắc sảo. Người trong nghề, anh có nhận xét gì về đội ngũ viết báo thể thao hiện nay?
(Nguyễn Ngọc Khánh, 24 tuổi, Nam, Thanh Hoá, Kỹ sư Viễn thông)

Nhà báo Anh Ngọc: Cảm ơn bạn đã giành cho tôi sự yêu mến này. Đội ngũ viết báo thể thao ngày nay rất trẻ, có điều kiện để tiếp cận các phương tiện làm và nguồn tin tốt hơn. Rất nhiều người trong số họ có trình độ học vấn rất cao và có cá tính.

Chào Thanh Lan! Tôi đồng ý với Lan thế giới rất đa dạng và lý thú, nhưng đấy có phải là niềm đam mê thực sự để Lan chọn con đường làm công tác báo chí ? Và với khối lượng công việc nhiều cộng với áp lực từ các phía... bí quyết nào khiến Lan vượt qua tất cả có phải là niềm đam mê nghề nghiệp. Chúc Lan luôn mạnh khoẻ và thành đạt trong cuộc sống và nghề nghiệp, xin cảm ơn!
(Nguyễn Giang Nam, 30 tuổi, Nam, Hà Nội, Kinh Doanh)

Nhà báo Thanh Lan: Đúng như vậy, niềm đam mê nghề nghiệp, cuộc sống giúp cháu vượt qua rất nhiều mọi áp lực, mọi rào cản.

Nguyên có nghĩ mình may mắn khi mới chỉ là 1 nhà báo trẻ, Nguyên đã được đi thực tế tại một nơi đầy “chất liệu” để viết như thế không?
(Tôn Nữ Lan Ngọc, 26 tuổi, Nam, Huế, Giáo viên)

Nhà báo Trần Nguyên: Quá may mắn ấy chứ. Và may mắn hơn là chuyến công tác này lại được mọi người ủng hộ.

Biết danh Anh Ngọc qua đường “truyền miệng” của dân nghiền bóng đá, nhưng muốn được nghe chính anh kể một chút về mình và công việc có được không nhỉ?
(Tuấn, 35 tuổi, Nam, Hà Nội, Kinh doanh)

Nhà báo Anh Ngọc: Mình còn trẻ mới 30 tuổi, đã có 8 năm làm báo và làm đủ mọi loại hình báo chí, từ làm báo điện tử, phát thanh đến truyền hình và bây giờ là báo viết. Mình rất thích đọc sách, đọc những gì liên quan đến nước Italia, xem CNN, xem phim đĩa. Công việc rất nặng nhọc và tốn nhiều thời gian, nhất là thời gian để chuẩn bị tư liệu cho bài viết và cho trận đấu sắp tới. Nói chung là mình làm ngày làm đêm, viết cả vào ban đêm, ngủ rất ít.

Chào bạn Thanh Lan, tôi rất ấn tượng về tính tự tin và khả năng ứng xử của bạn trên truyền hình. Bạn đánh giá như thế nào về chất lượng và tính chuyên nghiệp của các chương trình truyền hình Việt Nam hiện nay? Bản thân bạn có kế hoạch gì để giúp các chương trình truyền hình trở nên hấp dẫn hơn đối với người xem?
(Nguyễn Minh Quân, 38 tuổi, Nam, Hà Nội, Ngoại giao)

Nhà báo Thanh Lan: Đánh giá về chất lượng là còn tuỳ thuộc vào khán giả truyền hình chứ? Để có chương trình truyền hình hấp dẫn thì mỗi cá thể phải cố gắng đóng góp sao cho mỗi chương trình hấp dẫn.

Chào anh Ngọc! Anh có thể cho biết bí quyết của riêng anh trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình? Xin trân trọng cảm ơn anh! Chúc anh cùng gia đình sức khoẻ và hạnh phúc!
(Nguyễn Quốc Huân, 24 tuổi, Nam, Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Miền Trung, Nghiên cứu viên Môi trường)

Nhà báo Anh Ngọc: Mình thật sự không có bí quyết gì cả. Mình nghĩ rằng cần phải luôn có sự thông cảm, biết lắng nghe và san sẻ tất cả với người bạn đời. Nhưng theo mình điều quan trọng nhất là phải chân thành. Cảm ơn bạn đã giành tình cảm cho tôi rất nhiêu!

Mình thấy Lan khi làm chương trình rất tự nhiên và hấp dẫn. Bạn có bí quyết gì không? Mình có thể làm quen để học hỏi kinh nghiệm được không? Nếu có thì qua số điện thoại và địa chỉ e-mail nào?
(hoanguyenduc, 32 tuổi, Nam, Hà Nội, phóng viên)

Nhà báo Thanh Lan: Yêu thích công việc của mình một cách thực sự. Khi yêu thì mình sẽ biết làm gì để cho nó hấp dẫn. Bạn có thể liên lạc với mình theo số cơ quan: 04-771-5300

Thưa chị Thanh Lan, tôi là một người rất hâm mộ chị. Tôi thấy chị rất thông minh, đằm thắm và dịu dàng. Từ giọng nói, nét mặt biểu cảm, phong thái của chị luôn tạo cho khán giả VTV một cảm xúc ấm áp, tin cậy, gần gũi. Không chỉ những thông tin chị đem lại cho khán giả là bổ ích, quý giá, mà bản thân sự xuất hiện của chị cũng đem lại cho chúng tôi những tình cảm nồng ấm, những niềm vui nhẹ nhàng và sự tin tưởng sâu sắc. Chúc chị mãi giữ được những điều tốt đẹp đang có, luôn tươi trẻ, yêu đời, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn!
(Trịnh Quang Minh, 30 tuổi, Nam, 162 Tôn Đức Thắng, Đống đa, Hà nội, Quản trị kinh doanh)

Nhà báo Thanh Lan: Cảm ơn anh vì sự quan tâm đó.

Chào anh Anh Ngọc, anh đã viết được bài nào cho số báo TT&VH ngày mai chưa?
(Vũ Anh Khuê, 27 tuổi, Nam, PTDL NGUYEN TRUONG TO- THANH XUAN-HA NOI, GV)

Nhà báo Anh Ngọc: Mình chưa viết bài nào cho ngày mai, nhưng mình đã chuẩn bị rất kỹ về mặt tư liệu. Ngay sau buổi giao lưu này mình sẽ về viết bài.

Xin hỏi chị Thanh Lan, chị có cảm giác thế nào mỗi lần làm tin về các vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng như thiên tai và dịch bệnh? Chị mong muốn điều gì lúc đó?
(Nguyễn Danh Huy, 28 tuổi, Nam, 370 Cầu Giấy, Hà Nội, Giảng viên Global Education)

Nhà báo Thanh Lan: Mình hay bị tác động bởi sự kiện. Nhiều khi dẫn những vấn đề về thiên tai, động đất, sóng thần, rồi tai nạn tàu E1, mình không kìm được lòng mình. Thú thật là như vậy.

* * *

Sau hơn 3 giờ đồng hồ giao lưu, Toà soạn báo Dân trí điện tử và VnMedia vẫn còn hơn 300 câu hỏi của bạn đọc dành cho các nhà báo trẻ. Nhưng thời gian có hạn, bây giờ cũng đã đến lúc họ phải trở lại với công việc hàng ngày bận rộn của mình. Ngày mai chúng ta sẽ lại gặp họ trên những trang báo và màn hình VTV quen thuộc.

Thay mặt toà soạn báo Dân trí điện tử và VnMedia, chúng tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo nhân ngày Báo chí Việt Nam. Xin cảm ơn bạn đọc thân thiết đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến rất thú vị này.

Nhà báo Thanh Lan: Hôm nay mình cảm thấy rất hạnh phúc vì nhận đuợc rất nhiều sự quan tâm đến như vậy. Giá mà có thời gian nhiều hơn nhỉ? Nếu có thể thì gửi thư về cho mình qua địa chỉ: Lê Thanh Lan- Ban thời sự Đài truyền hình Việt nam nhé. Xin cảm ơn tất cả.

Nhà báo Anh Ngọc: Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trên trang báo Thể thao văn hoá số ra sáng mai.

Nhà báo Trần Nguyên:  Tôi yêu các bạn...

Dantri.com.vn & VnMedia.vn

Giao lưu trực tuyến với các nhà báo trẻ tài năng Họ là những nhà báo trẻ được độc giả nhớ mặt, biết tên: một Thanh Lan dịu dàng, đằm thắm trong các chương trình thời sự; tinh tế, uyển chuyển với “Mỗi ngày một cuốn sách” ở VTV1; Còn Anh Ngọc - cây bình luận thể thao quốc tế sắc sảo, có tình yêu vô bờ bến với bóng đá và đất nước Italia; Và Trần Nguyên - chàng phóng viên trẻ năng động, kịp ghi dấu ấn với hàng loạt bài viết về giới trẻ, là phóng viên Việt Nam duy nhất đến được Banda Aceh, vùng đất bị tổn hại nặng nhất với hơn 150.000 người chết trong vụ sóng thần ở Indonesia. Giao lưu trực tuyến với các nhà báo trẻ tài năng
7 10 3876