(Go: >> BACK << -|- >> HOME <<)

Nghiên cứu - Trao đổi
Người cao tuổi và Luật Người cao tuổi
0:18' 1/6/2009


TCCSĐT - Những công dân “tuổi vàng” đang ngày càng gia tăng trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phát triển. Có thể nói, người cao tuổi và vấn đề người cao tuổi đang đặt ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, thậm chí là một vấn đề chính trị và văn hoá toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài tình hình đó - phải đối diện với vấn đề người cao tuổi trong một thời gian không xa.

Những công dân “tuổi vàng” đang ngày càng gia tăng trên thế giới, nhất là ở các quốc gia phát triển. Tại Nhật Bản, tỷ lệ người qua tuổi 65 tuổi chiếm tới 25% (khoảng 32 triệu người ) trong tổng số 128 triệu dân. Ở Liên minh châu Âu (EU), vào năm 2005, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 16,5%, dự kiến đến 2010 tỷ lệ này là 18%.

Trong khi số người cao tuổi tăng lên nhanh chóng thì số trẻ em sinh ra lại ngày càng giảm đi. Theo dự báo của Liên hợp quốc và OECD, đến năm 2050, dân số EU sẽ giảm đi 20 triệu người. Số công dân châu Âu dưới 18 tuổi nhiều nhất cũng chỉ chiếm 24,5%. Tình trạng kết hôn ngày càng muộn, sinh con ít, ly hôn gia tăng khiến cho nhiều quốc gia đang phải đối diện với vấn đề xã hội to lớn và phức tạp đó là tình trạng già hoá và dân số giảm.

Ở Việt Nam, tình hình dân số cũng đang diễn biến phức tạp, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Một mặt, tỷ lệ sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa kiểm soát được, mặt khác, tuổi thọ trung bình cũng tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 1-4-2007, cả nước có khoảng 8,05 triệu người cao tuổi (NCT), là những người có tuổi đời từ 60 trở lên. Hiện tại NCT chiếm 9,45% dân số.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 72, cao hơn tuổi thọ trung bình thế giới là 6 tuổi. Điều đáng mừng là chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 1999 đến nay tuổi thọ trung bình đã nâng lên tới 3,4 tuổi. Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội ta, nhất là do hiệu quả các chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Tuổi thọ trung bình được nâng cao tất yếu số người cao tuổi cũng được tăng lên, về khách quan điều này đã và sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Nhà nước và xã hội.

Có thể nói, người cao tuổi và vấn đề người cao tuổi đang đặt ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, thậm chí là một vấn đề chính trị và văn hoá toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài tình hình đó - phải đối diện với vấn đề người cao tuổi trong một thời gian không xa.

Xuất phát từ truyền thống dân tộc, lý tưởng cách mạng và bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, từ lâu đã đánh giá cao công lao đóng góp và vai trò của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội. Những đóng góp của người cao tuổi không chỉ trong quá khứ mà họ còn là nguồn lực, tài sản vô giá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Năm 1994, Hội người cao tuổi Việt Nam đã được thành lập, cho đến nay có tới trên 7 triệu hội viên (chiếm 90% người). Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 đã quy định phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là của Nhà nước và xã hội. Quốc hội khoá XII đã quyết định xây dựng Luật Người cao tuổi, thay cho Pháp lệnh Người cao tuổi, năm 2000.

Trong quan niệm của cộng đồng quốc tế, NCT (còn gọi là người già, người cao niên) là một nhóm xã hội trong nhóm dễ bị tổn thương bởi những đặc điểm về tâm, sinh lý và nhất là về những quan niệm không đúng của xã hội đối với họ. Nói cách khác họ thường bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Do đó, người cao tuổi thường bị mất đi các quyền và lợi ích chính đáng của mình và mất đi cả cơ hội để tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Do quy luật sinh học, sức khoẻ của NCT yếu hơn dần lớp trẻ tuổi nhất là về thể chất. Người cao tuổi thường mắc các bệnh lão khoa, như các bệnh liên quan đến tim mạc (xơ vữa động mạch, thiểu năng động mạch vành…) hô hấp (viêm phế quản, hen …), tiêu hoá, tiết niệu (u xơ tiền liệt tuyến…), xương khớp (vôi hóa, loãng xương…), rối loạn chuyển hoá máu (tăng glu-cô, cô-let-xtê-rôn…), thần kinh (pa-kin-xơn, a-dây-mơ, trầm cảm…).

Tuy nhiên, do đặc điểm của tế bào thần kinh có sức sống lâu bền hơn các tế bào khác nên rất nhiều NCT vẫn có thể học tập, nghiên cứu khoa học, làm công việc của người lãnh đạo, quản lý, tư vấn giải quyết những vấn đề chính trị cho xã hội và gia đình một cách sáng suốt. Ở mỗi NCT, không nhiều thì ít đều có những triết lý sống, kinh nghiệm sống quý báu mà các thế hệ sau cần học hỏi.

Sở dĩ có được những tiềm năng đó là vì những tri thức đã được học tập, nghiên cứu và qua trải nghiệm trong cuộc sống, nói chung có bề dầy lớn hơn những người trẻ tuổi. Trong khi lớp trẻ phải tập trung vào những vấn đề của cuộc sống thường nhật như học tập, làm việc, vui chơi giải trí, chăm sóc gia đình… thì NCT lại có điều kiện tập trung hơn tới việc giúp đỡ cho con cháu và tham gia hoạt động xã hội.

Sở dĩ ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, NCT thường được Nhà nước và xã hội đề cao là vì truyền thống văn hoá được hình thành từ đời sống cộng đồng ở khu vực sinh thái nhiệt đới, nhiều thiên tai và do ảnh hưởnglâu dài của Nho giáo.

Không phải ngẫu nhiên mà cho đến ngày nay vai trò của “già làng” “trưởng bản”, thường là những người cao tuổi vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống, xã hội ở cơ sở. Trong quan niệm của Nho giáo, một xã hội hài hoà cần phải có các quy phạm đạo đức, để điều chỉnh các quan hệ xã hội và gia đình đó là “Đạo”, “Tam cương”, “Ngũ thường”. Trong các chuẩn mực trên có quan hệ cha - con: “cha hiền, con hiếu”. Cha có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, con cái có nghĩa vụ hiếu thảo, phụng dưỡng cha khi về già.

Hiếm có một dân tộc nào như Việt Nam, trong huyền thoại và lịch sử, người cao tuổi và người trẻ tuổi đều được nhà nước và xã hội đề cao. Sự kiện Hội nghị Diên Hồng năm 1285 do Trần Quốc Tuấn triệu tập bao gồm các phụ lão, những đại biểu có uy tín của nhân dân cả nước để bàn kế sách chống quân Nguyên là một minh chứng.

Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò NCT luôn luôn được đánh giá cao và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì”. Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập “Phụ lão cứu quốc hội.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong số hơn 8 triệu người cao tuổi hiện nay, có: 6.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 7.000 người là lão thành cách mạng, 30.000 người là cán bộ đã từng bị địch bắt, giam cầm, tra tấn, 500.000 người là thương bệnh binh 100.000 là người thanh niên xung phong, 5.000 người có công với cách mạng có thể nói độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của nhân dân ta được vững bền như ngày nay có phần đóng góp vô giá của các thế hệ người cao tuổi.

Trên phương diện gia đình và xã hội, vai trò của người cao tuổi đặc biệt quan trọng. Người cao tuổi là hạt nhân, là lực hấp dẫn, giữ vững cấu trúc gia đình, ổn định và phát triển xã hội.

Hiện nay, ở nhiều nước phát triển đã xuất hiện “mâu thuẫn thế hệ” do sự khác biệt giữa nhóm người cao tuổi với lớp trẻ không được giải quyết kịp thời như sự khác biệt các nhu cầu về văn hoá , đặc biệt là mâu thuẫn về việc làm. Nhiều thanh niên gặp khó khăn trong tìm việc làm, do tuổi lao động của thế hệ trước được kéo dài… Nhà nước cũng gặp phải không ít những vấn đề nan giải trong chính sách kinh tế, xã hội đó là tình trạng thâm hụt của các quỹ bảo hiểmtrợ cấp xã hội. Nguyên nhân là do, một mặt, quy định tuổi làm việc của người lao động được nâng cao, mặt khác, các phí dịch vụ, nhất là về y tế ngày càng trở nên đắt đỏ (nhờ các thành tựu y học, và công nghệ cao).

Mô hình giải quyết vấn đề người cao tuổi ở các quôc gia rất khác nhau, song tựu chung có hai hướng cơ bản: một là, xã hội hoá việc chăm sóc người cao tuổi nhằm giảm bớt gánh nạng cho nhà nước như: buộc các doanh nghiệp phải nâng cao mức đóng góp bảo hiểm cho người lao động, cho phép các tổ chức phi chính phủ đảm nhận một phần công việc chăm sóc người cao tuổi như xây dựng nhà dưỡng lão, Người cao tuổi (có bảo hiểm), phải trả thêm một phần viện phí cho một số dịch vụ y tế (như ở CHLB Đức …). Hai là, nhà nước hoá việc chăm sóc người cao tuổi. Biện pháp cơ bản là nhà nước tập trung các nguồn lực và trực tiếp nuôi dưỡng người cao tuổi (điển hình là Đan Mạch, Phần Lan).

Tuy nhiên, cả hai mô hình trên đều chưa đáp ứng được một nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi đó là về tình cảm gia đình. Đặc điểm chung của người cao tuổi trong các nền văn hoá không kể phương Đông hay phương Tây đều mong muốn được chung sống với con, nhất là với cháu. Trên một phương diện khác, xét về “quyền trẻ em”, việc không đáp ứng nhu cầu được sống trong môi trường gia đình của người cao tuổi cũng có nghĩa là vi phạm nguyên tắc “lợi ích tốt nhất” cho trẻ em, bởi vì trẻ em có quyền được sống với bố mẹ và luôn mong muốn được sống bên cạch ông bà.

Đóng góp về lao động của NCT cho gia đình và xã hội là vô cùng to lớn nhất là của các cụ bà, nhưng phần lớn lại là “những việc không tên”, không được đánh giá. Trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam, đó là việc trông cháu, nội trợ. Đây không chỉ là một hình thức lao động nặng nhọc mà còn là một loại hình lao động phức tạp đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm. Rất tiếc, những đóng góp này chưa được xã hội chính thức ghi nhận, đánh giá đúng mức.

Hiện nay NCT thường giữ vai trò trọng trách trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở: như tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận. NCT còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xã hội như phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, tổ chức hoà giải, tổ chức khuyến học, khuyến tài… của địa phương và dòng họ.

Cuộc “khủng hoảng” về hôn nhân – gia đình ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển biểu hiện ở tình trạng ly hôn, “gia đình mở’ (chung sống như vợ chồng nhưng không kết hôn), kết hôn, sinh con muộn, đang gia tăng nhanh chóng. Con cái trưởng thành thường không muốn sống chung với ông bà, cha mẹ, thậm chí thoái thác nghĩa vụ phụng dưỡng đối với người sinh thành ra mình. Nhiều NCT phải nương nhờ, trông cậy vào nhà nước, sống trong các nhà dưỡng lão của chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo, từ thiện trong khi họ vẫn còn con cháu. Tình trạng này cũng bắt đầu xuất hiện ở nước ta.

Nhận thấy tầm quan trọng của cha mẹ, ông bà, của người cao tuổi đối với gia đình và trật tự xã hội, ngay từ thế kỷ XV, bộ “Quốc triều hình luật” thời Lê sơ (1470 -1497) đã có nhiều quy định tội phạm nhằm bảo vệ quan hệ bố mẹ – con cái” như: Tội bất hiếu (Điều 475), tội đại bất kính (Điều 430). Nghĩa vụ “Vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà (Điều 2), nghĩa vụ chịu tội thay cho ông bà, cha mẹ (Điều 38), Nghĩa vụ không được kiện cáo ông bà, cha mẹ (Điều 511), Nghĩa vụ che dấu tội cho ông bà, cha mẹ, ngoại trừ tội mưu phản, đại nghịch” (Điều 2).

Hiến pháp 1992 cũng đã quy định “Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái… Con cái có nghĩa vụ kính trọng và chăm sóc cha mẹ” (Điều 64). Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định tội danh “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ… người có công nuôi dưỡng” (Điều 151).

Cho đến nay, cần thiết phải nâng các quy phạm đạo đức, truyền thống của dân tộc đối với người cao tuổi thành quy phạm pháp luật, nhằm quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, trách nhiệm gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc NCT đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của cá nhân và tổ chức Hội Người cao tuổi .

Khác với các luật trực tiếp liên quan đến quan hệ giữa các thành viên gia đình như “Luật Hôn nhân và gia đình”; “Luật Bình đẳng giới”; “Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em”; “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”…, là những đạo luật dựa trên nguyên tắc bình đẳng, luật về NCT không chỉ dựa trên các nguyên tắc pháp luật nói chung mà đặc biệt dựa trên các quy phạm đạo đức, truyền thống và văn hoá dân tộc.

Do tuổi cao, sức yếu, NCT thường có những hạn chế về tư duy, phong cách và lối sống. Không ít NCT nặng về tư duy kinh nghiệm, nhẹ về tư duy lôgíc. Khả năng cập nhật thông tin mới, nhanh, thường không bằng lớp trẻ. Một số nhỏ NCT rơi vào bệnh công thần, tự huyễn hoặc, lấy quá khứ làm chuẩn mực, thiếu trách nhiệm đối với những vấn đề xã hội đang nảy sinh, tự cho mình quyền được buông lỏng trong lối sống, nêu gương xấu cho lớp trẻ.

NCT là nhóm xã hội đặc biệt có những hạn chế do tuổi cao, sức yếu, rất nhạy cảm trong về phương diện ứng xử, cần có sự cảm thông của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, NCT ít có tham vọng cá nhân, luôn mong muốn “con hơn cha”. NCT không có những đòi hỏi cao về hưởng thụ vật chất, thậm chí vẫn muốn tiếp tục nhường nhịn, chia sẻ lợi ích cho con cháu. Trong quan hệ kinh tế, NCT cho dù vẫn muốn giữ lại một phần sở hữu cũng không phải vì bản thân mà là vị mong muốn giữ được quyền phân chia công bằng, đúng lúc cho con cháu, chứ không phải để mang sang “thế giới bên kia”. Mong muốn cao nhất của NCT là được sự tôn trọng của con cháu, của thế hệ trẻ và có cơ hội để tiếp tục giúp đỡ người thân, cống hiến cho xã hội. Bởi vậy để đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống cần phải hiểu biết rõ NCT và vấn đề của NCT, cần chú ý đến các đối tượng có nghĩa vụ đối với người cao tuổi như thanh, thiếu niên và thành viên gia đình, cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức dịch vụ xã hội ./.

Cao Đức Thái

VIDEO