(Go: >> BACK << -|- >> HOME <<)

Việt - Trung: Điều gì làm nên sự khác biệt?

Sự chênh lệch về cam kết cải cách của giới lãnh đạo được tính dựa trên hai bằng chứng: sự kiên quyết trong việc đưa ra các quyết định chiến lược trong các bối cảnh then chốt của cuộc cải cách kinh tế và các nỗ lực tổ chức tốt công việc hành chính.

>> Kỳ 1; Kỳ 2

Cam kết cải cách

Có hai thời điểm đánh dấu sự khác biệt đáng kể về tăng trưởng giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đó là cú bật ở Trung Quốc năm 1991 và sự sụt giảm tăng trưởng ở Việt Nam năm 1999. Sau 10 năm đầu cải cách, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có thể thoát khỏi những khó khăn kinh tế và bước vào một giai đoạn phát triển mạnh hơn, nhưng lại là giai đoạn khó khăn hơn để đưa ra những quyết sách mang tính quyết định.

Thực vậy, các cuộc cải cách kinh tế ở hai nước này đã chuyển hướng xa hơn khỏi tư tưởng xã hội chủ nghĩa của cả hai. Điều này đã làm bối rối một số thành viên có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo và đặt hai nước (Trung Quốc đầu những năm 1990 và Việt Nam cuối những năm 1990) trước nguy cơ bị rơi vào trì trệ kinh tế và thiếu quả quyết trong việc đưa ra các quyết định chiến lược.

Tại Trung Quốc năm 1991, có nhiều ý kiến chống cải cách, trong đó có lời kêu gọi hủy bỏ các đặc khu kinh tế. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã không thỏa hiệp và thay vào đó, ông quyết định tiến hành một bước đón đầu bằng việc công du miền Nam nước này hồi tháng 1/1992 để kêu gọi sự ủng hộ nhằm thúc đẩy cải cách. Chuyến đi của ông Đặng cho là đã có tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với sự phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế tăng từ 9% năm 1978-1991 lên 12% năm 1991-1996, trong khi tổng vốn FDI đạt 156 tỷ USD trong những năm 1991-1996 từ mức 23,3 tỷ USD những năm 1978-1991.

Ở Việt Nam, một sự sụt giảm trong các nỗ lực cải cách đã được quan sát thấy sau năm 1995, dẫn tới việc Việt Nam chậm trễ ký thỏa thuận thương mại với Mỹ năm 1999. Một quan chức thương mại Mỹ nhận định, so với Trung Quốc, Việt Nam không dám chắc về việc mở cửa, các lãnh đạo Việt Nam còn do dự trong việc chọn chính sách công nghiệp phù hợp nhất với đất nước.

Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại tháng 6/2000, chưa đầy một năm sau đó. Cũng trong năm 1999, Việt Nam đã thông qua Luật Doanh nghiệp, tức là 5 năm sau khi Trung Quốc làm việc này, văn bản đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong việc tạo ra sân chơi cho lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam. Các ví dụ trên cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam dù thiếu kiên quyết trong hoạch định chính sách nhưng muốn và có thể tạo ra được những thay đổi đáng kể ngay khi điều đó trở thành tất yếu.

Trung Quốc và Việt Nam đều có gánh nặng là một lượng nhân viên quá đông trong lĩnh vực hành chính công, lý do chính dẫn tới quan liêu, tham nhũng, trình độ kém và làm việc không hiệu quả.

Tính hiệu quả của chính phủ

Bên cạnh cam kết cải cách của giới lãnh đạo, tính hiệu quả của chính phủ cũng đặc biệt quan trọng, quyết định thành quả của một đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thấp hơn Trung Quốc về tính hiệu quả của chính phủ trong giai đoạn 1996-2007. Đáng báo động hơn, sự chênh lệch này càng ngày lớn hơn kể từ năm 2005.

Chênh lệch trong hiệu quả hoạt động của chính phủ hai nước cũng có thể được nhìn thấy trong các cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước SOE, kiểm soát tham nhũng, mô hình tiêu thụ năng lượng và hiệu quả của mở cửa. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đều có vấn đề ở cả Việt Nam và Trung Quốc, nhưng Việt Nam thua Trung Quốc trong việc cải cách loại doanh nghiệp này.

Nhìn vào quá trình tư nhân hóa, Trung Quốc cũng đã hiệu quả hơn Việt Nam. Tính theo tỷ lệ % GDP năm 2000, tổng doanh thu từ tư nhân hóa trong giai đoạn 1990-2005 là 4,8% trong khi ở Việt Nam chỉ là 1%.

Tham nhũng cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở hai nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiểm soát tham nhũng tốt hơn Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI). Thực tế là cả Trung Quốc và Việt Nam đã giải quyết các vụ bê bối liên quan đến một số quan chức cấp cao một cách rất khác nhau. Để xử lý những trường hợp này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cho thấy sự bền bỉ và quyết tâm, trong khi ở Việt Nam phần nào còn do dự trong các nỗ lực bài trừ tham nhũng.

Năng lượng ngày càng trở thành một nguồn chiến lược và khan hiếm. Vì vậy giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi những bộ óc chiến lược và am tường. Mô hình tiêu thụ năng lượng của hai nước cho thấy Trung Quốc áp dụng hiệu quả hơn Việt Nam về mặt này. Tỷ lệ tiêu thụ năng lượng trong nền kinh tế Trung Quốc, tính bằng kg dầu tương đương với 1.000 USD GDP, là 1,95 trong năm 1990, cao hơn ở Việt Nam (1,62). Tuy nhiên, Trung Quốc đã giảm mạnh tỷ lệ này từ mức 0,94 năm 2000 xuống còn 0,91 năm 2005, còn Việt Nam chỉ giảm từ 1,2 năm 2000 xuống 1,15 năm 2005. Hơn nữa, trong thời gian 1990-2005, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc cũng giảm trong khi của Việt Nam lại tăng.

Mở cửa nền kinh tế cũng có một tác động tích cực đáng kể đối với tăng trưởng. Việt Nam mở rộng cửa hơn Trung Quốc. Từ khi phát động cải cách năm 1986, Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường mở cửa với thế giới. Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế không giải thích tại sao thành quả tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc. Cần phải nghiên cứu sâu hơn về tính hiệu quả của việc mở cửa ở hai nước.

Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn nhập khẩu trong khi điều ngược lại diễn ra ở Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam kém Trung Quốc trong việc thúc đẩy trao đổi công nghệ. Ở Việt Nam, tỷ lệ các sản phẩm nông nghiệp và công nghệ thấp ở mức 57-58% trong những năm 2000-2005 và giảm nhẹ (0,6%) từ 58,1 năm 2000 xuống 57,5% năm 2005. Cùng thời gian này, con số của Trung Quốc là 12,9%, giảm từ 44,9% năm 2000 xuống còn 32% năm 2005.

Mặt khác, tỷ lệ hàng công nghiệp công nghệ cao xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ và tăng nhẹ từ 5,8% năm 2000 lên 7,8% năm 2005, trong khi ở Trung Quốc cao hơn nhiều, đạt 41,3% vào năm 2005 từ mức 28,9% năm 2000. Đặc biệt, Trung Quốc đã nắm tốt thời cơ bùng nổ trên thị trường công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) để mở rộng xuất khẩu (tỷ lệ hàng công nghiệp ICT xuất khẩu của Trung Quốc tăng 9%, từ mức 15,3% năm 2000 lên 24,2% năm 2005. Trong khi đó, mức tăng tương ứng của Việt Nam chỉ là 2,8% lên 3,9%.

Cũng cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhập khẩu ở Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2005 chủ yếu là công nghệ cao, trong khi các sản phẩm công nghệ trung bình và khai mỏ tạo ra tăng trưởng trong nhập khẩu của Việt Nam. Điều này chứng tỏ Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược hơn Việt Nam về cả xuất khẩu và nhập khẩu với một cú hích mạnh nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Việt Nam cũng thua nhiều nền kinh tế châu Á khác về tận dụng mức tăng trưởng nhanh chóng của thị trường châu Á. Trong giai đoạn 1990-2006, tỷ lệ hàng xuất khẩu sang châu Á của Việt Nam giảm từ 39,2% xuống còn 36,5%, trong khi con số này của Hàn Quốc tăng mạnh (34% lên 51%), cũng như Hồng Kông (42,3% lên 61,9%), Đài Loan (38,2% lên 64%), Singapore (47,1% lên 63,4%), Thái Lan (37,8% lên 53,3%) và Philippines (34,8% lên 64,9%).

Các phân tích trên cho thấy một khoảng cách lớn về tính hiệu quả của mở cửa thị trường giữa hai nước, điều có liên quan đến tính hiệu quả của chính phủ mỗi nước trong việc đưa ra các chính sách công nghiệp. Các phân tích này cũng cho thấy tại sau các biện pháp mở cửa thị trường đơn giản không giúp thúc đẩy mạnh tăng trưởng.

Có thể kết luận rằng sự khác biệt trong thành quả tăng trưởng giữa Trung Quốc và Việt Nam không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu là độ chênh lệch về tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ. Chính vì vậy, cải thiện điều này là bước tối quan trọng nhằm thúc đẩy thành quả kinh tế, từ đó tạo ra các điều kiện cần thiết để nâng cấp các thể chế./.

Quốc Thái dịch