1. Kết thúc cuộc điều tra án phong chân phước Cố Benoît Thuận

Sáng thứ Sáu, ngày 10 tháng Năm vừa qua, giai đoạn điều tra cấp giáo phận về án phong chân phước cho cha Cố Thuận, vị sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam, đã được kết thúc tại Tòa Giám quản Roma, do Đức Cha Baldassare Reina, Phó Giám quản Roma, chủ tọa.

Cố Benoît Thuận, tục danh là Henri Francois Denis, sinh ngày 17 tháng Tám năm 1880, tại Boulogne-sur-Mère bên Pháp và gia nhập Hội thừa sai Paris năm 21 tuổi (1901), thụ phong linh mục hai năm sau đó, năm 1903 và được gửi sang Việt Nam, làm việc truyền giáo tại Huế. Cha lấy tên Việt là Thuận, có nghĩa là “vâng phục”, theo mẫu gương Fiat-Xin vâng của Mẹ Maria.

Cha Thuận dạy tại Tiểu chủng viện, và năm 1908 được gửi tới Nước Mặn, và sau đó, cha đạt được mộng ước là sống đời chiêm niệm vào năm 1918. Cha cùng với một môn đệ là Taddeo, thiết lập nhà đầu tiên. Năm 1920 được sắc lệnh thành lập và đón nhận các thỉnh sinh đầu tiên.

Cha qua đời ngày 24 tháng Bảy năm 1933 tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, lúc mới 53 tuổi. Ngày 21 tháng Ba năm 1935, tất cả các đan sĩ đã khấn đều lập lại lời khấn thành lời khấn trọng thể và được sáp nhập vào Dòng Xitô. Kỳ đó, Dòng Phước Sơn đã có 93 đan sĩ. Theo Niên giám 2023 của Tòa Thánh (trang 1391), Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có 11 Đan viện với 773 Đan sĩ, trên tổng số 1.607 Đan sĩ toàn dòng.

Hiện diện tại buổi lễ kết thúc giai đoạn kết thúc điều tra cấp giáo phận, cũng có cha Mauro Giuseppe Lepori, người Thụy Sĩ, Viện Phụ tổng quyền. Ngoài ra, có sự tham dự của một số đan sĩ Xitô nam nữ Việt Nam và nước ngoài, cùng với các giáo dân.

Cuối buổi lễ, toàn bộ hồ sơ thu thập được đã được bỏ vào thùng, đóng triện để gửi về Bộ Phong thánh cứu xét.

Tại đây, Bộ sẽ cứu xét và ban sắc lệnh xác nhận giá trị cuộc điều tra cấp giáo phận, trước khi chỉ định vị tường trình viên án phong (relatore), để cùng với vị thỉnh nguyện viên soạn tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, về cuộc đời, hoạt động và việc thực hành các nhân đức Kitô giáo của vị tôi tớ Chúa Henri Francois Denis Thuận. Hồ sơ sẽ được 9 vị cố vấn của Bộ cứu xét và bỏ phiếu. Sau đó, Hội đồng các Hồng Y, giám mục thành viên của Bộ bỏ phiếu, và nếu qua lọt giai đoạn này, hồ sơ sẽ được đệ lên Đức Thánh Cha để xin ngài phê chuẩn, trước khi Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phong thánh công bố nhìn nhận vị tôi tớ Chúa đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng và vị tôi tớ Chúa sẽ được gọi là Đấng Đáng kính. Tiếp đến sẽ là giai đoạn cứu xét phép lạ, và nếu được phê chuẩn, thì sẽ được phong chân phước.

2. Đức Thượng phụ Bácthôlômêô sẽ dự Hội nghị về hòa bình Ukraine

Đức Thượng phụ Bácthôlômêô, Giáo chủ Chính thống Constantinople và là vị đứng đầu Chính thống giáo, sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về hòa bình Ukraine, nhóm tại bang Nidwalden bên Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Chín tới đây.

Tòa Thượng phụ cho biết như trên, sau cuộc điện đàm chiều thứ Sáu, ngày 09 tháng Năm vừa qua giữa Đức Thượng phụ và Tổng thống Zelenskiy của Ukraine. Ngài tuyên bố vui mừng về cuộc gặp gỡ này và tái bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine trước cuộc tấn công của Nga.

Theo Tổng thống Zelenskiy, sự tham dự của Đức Thượng phụ có một giá trị biểu tượng rất lớn và ông đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của ngài vào việc tái lập nền hòa bình công chính tại Ukraine.

Bà Tổng thống Viola Amherd của Thụy Sĩ cũng đã mời Tòa Thánh tham dự Hội nghị về hòa bình nói trên và Tòa Thánh nhận lời sẽ cử đại diện tham dự. Theo tin của chính phủ Thụy Sĩ, đã có hơn 160 phái đoàn tham dự Hội nghị này nhưng không có sự tham dự của Nga.

3. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh khai mạc cuộc gặp gỡ “Bàn hòa bình”

Hôm thứ Sáu, ngày 10 tháng Năm, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã khai mạc cuộc gặp gỡ gọi là “Bàn hòa bình” (Tavolo per la pace), với sự tham dự của khoảng 30 nhân vật đã được Giải Nobel Hòa Bình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại dinh thự gọi là “Tòa nhà Chưởng ấn”, nơi có trụ sở của một số cơ quan Tòa Thánh, như Tòa Thượng thẩm Rota, Tòa Ân giải Tối cao.

Trong số các nhân vật được Giải Nobel Hòa Bình hiện diện, có bà Rigoberta Menchù Tum, người Guatemala, ông Dmitrij Muratob người Nga, Tawakko Karman từ Yemen, bà Machel Mandela, góa phụ của Tổng thống Nelson Mandela, Nam Phi.

Có mười hai bàn thảo luận về mười hai đề tài khác nhau và một số được trực tuyến, với sự tham dự của các nhà khoa học, kinh tế gia, bác sĩ, chủ xí nghiệp, công nhân, nhà vô địch thể thao, và cả các công dân thường. Tất cả đều nhắm mục đích tìm kiếm những con đường khác với chiến tranh và nghèo đói, dựa theo nguyên tắc tình huynh đệ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa đã tạo dựng con người để sống trong hòa bình và để bảo tồn công trình sáng tạo của Chúa, chứ không phải để hủy diệt nó”. Khi xúc phạm phẩm giá con người, và đi theo chiều hướng trái ngược với sự tạo dựng là chiến tranh, thì người ta không những làm thương tổn phẩm giá người khác, nhưng cả chính phẩm giá của mình.

Theo Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, ngày nay cần đặt lại vấn đề về chính ý niệm “cuộc chiến tranh chính đáng”, một ý niệm được đề ra trong thời đại các cuộc xung đột tương đối trong tầm mức giới hạn. Thời nay, với các võ khí hạt nhân và tàn sát tập thể, lý thuyết về cuộc chiến tranh chính đáng là điều gây nhiều vấn nạn.

Trong diễn văn, Đức Hồng Y Parolin cũng nhắc đến Tông sắc mới được Đức Thánh Cha công bố hôm mùng 09 tháng Năm vừa qua, ấn định Năm Thánh 2025 và nhấn mạnh rằng nếu không có đối thoại, thì chẳng những người ta không kiến tạo hòa bình, nhưng còn khơi lên chiến tranh, thay thế tiếng nói của ngoại giao bằng tiếng nói của võ khí. Vì thế, Đức Hồng Y nói đến ba lãnh vực dấn thân, như Đức Thánh Cha đã đề ra trong Tông sắc để khởi sự gieo vãi những hạt giống hòa bình, đó là chữa trị những nguyên nhân tạo nên các bất công, giải quyết những món nợ bất công không thể trả được, và bài trừ nạn đói.

4. Các giám mục Ba Lan tái khẳng định lập trường Giáo hội về phá thai

Các giám mục Ba Lan tái khẳng định lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống phá thai, trước những toan tính của chính phủ tả phái tại nước này, đang tìm cách ban hành luật cho phá thai và sức ép gia tăng của dư luận quần chúng.

Trong thông cáo sau khóa họp vừa qua, Ban Thường vụ của Hội đồng Giám mục Ba Lan khẳng định rằng: “Phá thai là giết trẻ em ở trong lòng mẹ”. Các giám mục nhấn mạnh rằng cả Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án rõ ràng chống lại phá thai, qua văn kiện “Dignitas infinita”, Phẩm giá vô biên, do Bộ Giáo lý đức tin mới công bố. Các vị cũng phê bình những kiểu nói về phá thai, với chủ ý làm dịu bớt sự trầm trọng của hành động này. Các giám mục khẳng định rằng: “không có từ nào có thể thay đổi thực trạng: Phá thai là cố tình trực tiếp loại bỏ một người trong giai đoạn khởi đầu cuộc sống, từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, dù bằng bất kỳ phương tiện nào”.

Thông cáo của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Ba Lan kết thúc với lời kêu gọi về Ngày Thế giới Trẻ em, do Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập, để nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá trẻ em và quyền sống của các em. Tất cả các tín hữu cần cầu nguyện cho các trẻ em không được phép chào đời, và cần dấn thân bênh vực tất cả các quyền con người, nhất là bảo vệ sự sống từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.